Cần có nguồn dữ liệu dùng chung về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 11-10, Quận ủy quận 7 tổ chức tọa đàm Giải pháp xây dựng Kkhông gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn quận 7.

Ứng dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với 3 thứ tiếng

Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 7 Huỳnh Tiểu Phụng cho biết, việc triển khai kế hoạch xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn kết với Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân TPHCM nói chung, quận 7 nói riêng đang triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện sự lúng túng trong việc lựa chọn nội dung phù hợp để triển khai thực hiện tại đơn vị, dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm.

Cần có nguồn dữ liệu dùng chung về Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: THU HƯỜNG

Đa số cấp ủy cơ sở, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chỉ dừng lại ở việc thực hiện những nội dung mang tính tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa nhiều đầu tư cho các nội dung gắn với thực hành các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người như xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Quận 7 xác định, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là không gian vật thể mà còn là không gian phi vật thể để phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thủ thách, luôn nỗ lực vì lợi ích chung…

Trên tinh thần đó, tọa đàm tập trung làm rõ khái niệm, quan điểm về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để từ đó đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể. 

Tại tọa đàm các đại biểu đã trình bày việc triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đơn vị mình. Nổi bật là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với 3 thứ tiếng Việt – Anh – Hàn của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7. Ứng dụng có hình thức phong phú, từ các thông tin về nơi sinh, các tác phẩm kinh điển của Bác, các bài báo của Bác cũng như quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác đều được dịch ra tiếng Anh, tiếng Hàn và kèm theo là những hình ảnh tư liệu rất sinh động. Hiện ứng dụng tích hợp hơn 20 thước phim thời sự, phim ảnh, kịch nói; 20 bài hát và 110 tấm ảnh liên quan đến thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động của Người. Đặc biệt, khi vào ứng dụng này, người xem cũng có thể nghe lại tuyên ngôn, lời phát biểu của Bác Hồ được lưu dưới dạng file ghi âm. Bên cạnh đó, ứng dụng cung cấp bảo tàng Hồ Chí Minh dưới dạng 3D để người xem tham khảo, tìm hiểu. Hiện ứng dụng đã được giới thiệu rộng rãi từ quận đến từng tổ dân phố, chung cư, khu dân cư trên địa bàn. 
Cần có nguồn dữ liệu dùng chung về Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 2 Đại biểu nêu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: THU HƯỜNG

Tận dụng thế mạnh về văn hóa nghệ thuật trong tuyên truyền về Bác

Ngoài ra, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, đặc thù của quận 7 có nhiều chung cư – nơi có những không gian sinh hoạt cộng đồng, thuận lợi để xây dựng các không gian văn hóa để đưa tư liệu, tư tưởng của Bác gần hơn với người dân ở mọi địa bàn cư dân. Đặc biệt, các chung cư ở quận 7 cũng có nhiều người nước ngoài sinh sống, do đó việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng tạo nhiều điều kiện để người nước ngoài hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ông Phạm Chí Phương (phường Tân Phú) băn khoăn, khái niệm không gian văn hóa là khái niệm mở, trong khi hiện nay, các mô hình đang làm chủ yếu là không gian kín ở các cơ sở, trường học, văn phòng các ban điều hành khu phố. Từ đó, ông Phạm Chí Phương cho rằng cần tìm hướng tổ chức ở không gian mở để ai cũng có thể tiếp cận.

“Quận 7 có nhiều không gian mở thu hút người dân và cả khách du lịch. Chẳng hạn khu vực Cầu Ánh sao thường có người trẻ tới, hay các công viên trong khu phố tập trung nhiều người lớn tuổi tập thể dục, trẻ em vui chơi thì các địa phương nghiên cứu để có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề phù hợp với từng đối tượng.”, ông Phạm Chí Phương chia sẻ về giải pháp.
Cần có nguồn dữ liệu dùng chung về Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 3 Phó Trưởng phòng Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Diễm đóng góp ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: THU HƯỜNG

Đồng thuận với ý kiến của ông Phạm Chí Phương, ông Bùi Anh Phương (phường Phú Mỹ) cũng cho rằng, phải xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mở. Theo ông Bùi Anh Phương, nếu Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chỉ có sách, có tư liệu thì rất khó thu hút người dân mà phải có thêm các hoạt động khác ứng với từng lứa tuổi để thu hút người dân vừa tới sinh hoạt, vừa tìm hiểu các tư liệu về Bác. Cùng với đó, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải phải gắn liền với chuyển đổi số để người dân tiếp cận được mọi lúc, mọi nơi. 

Còn ông Nguyễn Văn Ánh (phường Tân Hưng) lại trăn trở với các giải pháp để Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự phát huy hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Ánh, nếu để từng chi bộ hoặc từng tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở thực hiện thì nguồn lực không cao; đồng thời đề xuất Ban Tuyên giáo quận ủy nghiên cứu, hình thành “nguồn tài nguyên dùng chung” - tập hợp các nhà văn, nhà thơ có thể giới thiệu được các tác phẩm về Bác Hồ, nhất là những câu chuyên bên lề, phía sau những tác phẩm đó - để khi đơn vị nào cần thì có thể mời họ tham gia. “Cần tăng thêm chất liệu, đa dạng nội dung sinh hoạt, tăng tính tập hợp, kết nối, lan toả sâu rộng các thông tin về Bác”, ông Nguyễn Văn Ánh kiến nghị.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Phó Trưởng phòng Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho rằng tuyên truyền bằng văn hóa văn nghệ là cách người dân dễ tiếp nhận nhất. Nhất là địa bàn quận 7 có nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp cư trú, đó là nguồn lực để địa phương tập trung phát huy. Ngoài ra, quận cũng có đội ngũ văn nghệ hoạt động mạnh mẽ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm cho rằng đây là nguồn tài nguyên quý để quận đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về Bác, về tư tưởng, đạo đức của Bác một cách cụ thể, dễ đi vào lòng người, góp phần xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. 

Tại tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh, trước mắt, TPHCM xác định, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi truyền bá, tiếp thu, thực hành các giá trị văn hóa là không gian văn hóa Việt Nam. Trong đó, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được phát huy trong thực tiễn lịch sử cụ thể, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, sinh động, là tấm gương tốt để mỗi người dân Thành phố làm theo, trở thành sức mạnh đặc thù cho thành phố mang tên Bác.

Đảng bộ TPHCM sẽ lãnh đạo, chính quyền TPHCM quản lý, tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.  

Tin cùng chuyên mục