Cần cơ chế đặc biệt trong hỗ trợ tín dụng

Trong 8 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khu vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 30% GDP, đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GDP năm 2020, là động lực, đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế) tăng thấp, ở mức 5,5% (chỉ bằng khoảng 50% tốc độ tăng bình quân 5 năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện). 11/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, trong đó TPHCM giảm xấp xỉ 7%. 

Cũng trong 8 tháng, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới là 81.600, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020; 85.500 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Rõ ràng, tình thế của nền kinh tế hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn để DN vượt qua khó khăn. Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải sớm nghiên cứu trình Quốc hội trong tháng 10 về gói hỗ trợ tín dụng lãi suất. 

TS Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), thông tin, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, gói hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương dư nợ khoảng 60.000-65.000 tỷ đồng nhưng theo “những thông tin cập nhật gần nhất, dự kiến gói hỗ trợ này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng dư nợ để hỗ trợ người dân, DN trong thời gian tới”. 

Năm 2009, Việt Nam đã tung ra gói hỗ trợ lãi suất để vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mức tài trợ khi đó khoảng 4%-5% lãi suất, với gói hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, khi đó, chúng ta làm còn khá chủ quan, các chốt về vĩ mô và vi mô không đặt ra ngay từ đầu, nên cuối cùng, gói hỗ trợ đó có lợi nhưng không nhiều, trong khi hại rất lớn: lạm phát tăng cao và đẩy hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng nguy hiểm, hậu quả đến nay vẫn chưa xử lý xong. 

Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay, nếu triển khai gói hỗ trợ lãi suất tín dụng thì cần rút kinh nghiệm của năm 2009. Trong đó, lưu ý dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất chung (khoảng 1%) cộng với gói hỗ trợ 2%-3% thì sẽ tạo ra xung lực khoảng 4%. Tuy nhiên, hiện nay, dự trữ ngoại tệ gấp 4 lần năm 2009, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu, do đó, nếu đã “mất công” thiết kế gói hỗ trợ thì nên làm một gói lớn, để thực sự tạo ra khác biệt. Từ bài học năm 2009, các nhà hoạch định chính sách cần đặt ra những chốt về vi mô và vĩ mô rõ ràng, đặt ra thời hạn thực hiện; mọi DN đều được hưởng bình đẳng như nhau. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. 

Song, điều quan trọng nhất của mỗi chính sách hỗ trợ là làm thế nào để DN tiếp cận được. Nếu theo Luật Các tổ chức tín dụng, DN muốn tiếp cận được vốn phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo. Với những điều kiện như vậy, sẽ có rất nhiều DN đứng ngoài cuộc. Do không thể tự đặt ra hướng dẫn dưới chuẩn trong vấn đề cho vay nên theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần kiến nghị Chính phủ, Quốc hội các tiêu chuẩn đặc biệt cho gói vay này vì nếu không đặc biệt thì không thể giải ngân. Lý do là việc xem xét cho DN vay dựa trên cơ sở hiệu quả đầu tư đặt trong bối cảnh hiện nay rất khó và sẽ không DN nào tiếp cận được.

Tin cùng chuyên mục