Cần chuyển vốn đầu tư công sang chống dịch và hỗ trợ người dân

TPHCM đang tăng cường giãn cách triệt để thì việc huy động tối đa nguồn lực chăm lo cho người dân khó khăn do dịch Covid-19 là rất quan trọng. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Đầu tư chống dịch là đầu tư cho con người
 
PHÓNG VIÊN: Thưa PGS, ông đánh giá thế nào về các giải pháp của thành phố trong hỗ trợ người dân khó khăn ở một đô thị có quy mô dân số đông như TPHCM?

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Thời gian qua, toàn hệ thống chính trị của thành phố cùng với các tầng lớp nhân dân đã chung sức đồng lòng, cùng nỗ lực và chiến đấu không ngừng nghỉ với dịch Covid-19. Tuy vậy, dịch đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Số thu ngân sách của thành phố có xu hướng giảm dần từ tháng 5 và dự kiến cả năm 2021, TPHCM thu không đạt dự toán Trung ương giao. Dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, tác động tiêu cực đến 1,58 triệu hộ lao động với 4,7 triệu người, nhất là người lao động, sinh viên, công nhân...

Cùng với sự hỗ trợ lớn từ Trung ương, TPHCM có các giải pháp quyết liệt, tăng cường giãn cách xã hội và liên tục có gói hỗ trợ người dân. Bằng nguồn ngân sách, thành phố liên tiếp có gói hỗ trợ lần 1 (quy mô 886 tỷ đồng), lần 2 (quy mô 900 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách là 770 tỷ đồng). Đặc biệt, thành phố vừa bổ sung gói lần 2 với quy mô lên tới 2.576 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1 triệu hộ dân và 669.000 lượt lao động tự do. Những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đều hướng đến mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19 trước ngày 15-9.

Ông có gợi mở nào trong việc sử dụng ngân sách để hỗ trợ cho người dân vào lúc khó khăn này?

- Lúc này cần thiết phải mở rộng cánh cửa ngân sách. Thậm chí, phải chấp nhận bội chi ở mức cao hơn và có thể lấy nguồn vốn đầu tư công chuyển sang hỗ trợ người dân. Nguồn đầu tư công của cả nước chưa giải ngân mỗi năm trên 500.000 tỷ đồng, riêng TPHCM còn khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng đầu tư công/năm. Cùng với nguồn đầu tư công chưa giải ngân, có thể xem xét thêm nguồn cải cách tiền lương và các quỹ tài chính khác.

Vì vậy, thành phố có thể linh hoạt kiến nghị sử dụng các nguồn này để hỗ trợ ngay cho người dân và phòng chống dịch. Thực ra, đầu tư cho chống dịch cũng chính là đầu tư cho phát triển và hỗ trợ cho người dân chính là đầu tư cho con người. Dịch có hết và dân có an thì mọi chuyện đầu tư công trình khác mới có ý nghĩa.

Khơi thông rào cản, tăng kết nối 

Cùng với nguồn lực từ ngân sách, việc phát huy nguồn lực từ trong nhân dân, từ cộng đồng có vai trò như thế nào?

- TPHCM nhận được sự chung tay rất lớn từ cộng đồng người dân, doanh nghiệp, các tôn giáo trên địa bàn, sự tương trợ từ các tỉnh thành, đồng bào tôn giáo và kiều bào ở nước ngoài. Các gói hỗ trợ chính thức dù nỗ lực tới đâu cũng khó có thể đáp ứng hết các nhu cầu hỗ trợ. Vì thế, rất cần sức mạnh của toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19 và thương yêu đùm bọc, hỗ trợ nhau.

Xin nhấn mạnh, phát huy nguồn lực từ trong dân không phải là để người dân tự lo cho nhau. Mà chính quyền các cấp đang nỗ lực hết sức, dành nguồn ngân sách lớn để chăm lo cho dân và đồng thời, cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của người dân với người dân. Tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách” vốn là truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc ta. Trung tâm An sinh của TPHCM đang cấp phát 2 triệu túi an sinh, trong đó cũng có sự đóng góp lớn của cộng đồng. Đây là những nghĩa cử thể hiện tinh thần chia sẻ, giúp đỡ nhau, cùng nắm tay nâng đỡ nhau. Ở thời điểm khó khăn này, tinh thần ấy càng cần được tiếp tục phát huy. 

Vấn đề là cách nào để phát huy cho hiệu quả, thưa ông?

- Trong lúc giãn cách triệt để này, để người dân mở lòng hỗ trợ, nâng đỡ được cho nhau nhiều hơn nữa, thì chính quyền cần khơi thông các cản trở, thúc đẩy sự kết nối, tương trợ. 

Chẳng hạn, thời gian qua, không ít người làm từ thiện gặp khó khăn khi đề nghị cấp giấy lưu thông trên đường để đi trao quà, phát cháo, tặng gạo… Việc này cần phải cải thiện ngay. Có thể có một phần lợi dụng giấy đi đường của mạnh thường quân cho mục đích khác, nhưng đó chỉ là phần nhỏ và các chốt kiểm soát hoàn toàn có thể phát hiện, xử lý. Mặt khác, tôi tin tưởng phần rất lớn nhà hảo tâm có tâm huyết và chúng ta không nên tạo ức chế trước các tâm huyết đó.

Trong việc hỗ trợ, minh bạch thông tin rất quan trọng. Chính sách hỗ trợ ra sao, mức độ triển khai thế nào, đang cần tiếp sức cụ thể ở đâu? Khi người dân nắm bắt đầy đủ thông tin và thấu hiểu, người dân sẽ thêm tin tưởng, cùng chung tay nghĩa hiệp. Để kết nối tốt hơn, rất cần áp dụng công nghệ thông tin, tạo lập các app, các group, các trang hỗ trợ trực tuyến. Huyện Củ Chi có lập bản đồ hỗ trợ, có link trực tuyến, ai có khó khăn thì phát tín hiệu và huyện hỗ trợ ngay. Nhiều khu dân cư, nhiều phường xã ở TPHCM đã lập các group tương trợ, giúp nhau mùa dịch, kết nối nhanh nhất người có điều kiện và người khó khăn. Những cách làm này nên cần được nhân rộng…

Thích nghi với dịch Covid-19

 Theo ông, những ưu tiên mà TPHCM cần chuẩn bị ngay từ bây giờ là gì? Ông có ý tưởng nào về kịch bản “sống chung” với dịch Covid-19?
 
- Bây giờ quan trọng nhất là thành phố cần thoát dịch sớm chừng nào thì phục hồi nhanh chừng đó. Bên cạnh các giải pháp phòng chống dịch thì TPHCM cũng phải tính toán về kế hoạch phục hồi. Muốn doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, cần phải sớm bao phủ được vaccine. Khi bao phủ được vaccine, chúng ta có thể chuyển sang trạng thái sống thích nghi với dịch Covid-19. Hiện nay, doanh nghiệp nào đã tiêm vaccine cho người lao động thì cần có cơ chế cho doanh nghiệp đó hoạt động trở lại. Thành phố cần phải xây dựng cơ chế khác, có ứng xử khác đối với doanh nghiệp đã tiêm vaccine cho người lao động. Việc hỗ trợ doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng, bởi cứu được doanh nghiệp là cứu được công ăn việc làm của người lao động và đằng sau mỗi lao động là một gia đình. 

 Thành phố hàng năm đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia và chỉ được điều tiết giữ lại 18%. Hiện nay, dịch bệnh kéo dài, đời sống người dân bị ảnh hưởng rất nhiều thì việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM càng trở nên cấp thiết?

 - Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, TPHCM đã gặp nhiều điểm nghẽn trong phát triển và trong đó có sự quá tải của hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học… Qua dịch bệnh càng cho thấy việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM là vô cùng cấp thiết. Thành phố có vai trò rất lớn đối với kinh tế cả nước. Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố cũng chính là giúp cho ngân sách quốc gia tăng thêm, bởi một đồng vốn đầu tư tại TPHCM có khả năng sinh lời cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

 Đại dịch tác động dài và rộng, nên chăng cần có gói hỗ trợ toàn dân? 
 
- Nhiều nước trên thế giới đã có gói hỗ trợ toàn dân. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng nếu hỗ trợ toàn dân được thì rất tốt. Song, chúng ta nguồn lực có hạn, trước mắt cần ưu tiên hỗ trợ tới những người có hoàn cảnh khó khăn nhất. Trung ương đang xem xét việc giảm nhiều loại thuế như thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để giúp giảm giá thành sản phẩm và có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Điều cấp thiết lúc này là cần giảm tất cả các loại thuế phí, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó. Cùng với đó là miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để người dân được thư thả, có điều kiện chăm lo cho cuộc sống của mình và gia đình tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục