Cần chuyển đổi mô hình thu gom rác

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: Người dân ủng hộ thực hiện nhưng công tác thu gom không đồng bộ. Sự chuyển bộ như thế là không kịp thời, UBND TP phải rõ trách nhiệm trong quản lý để có giải pháp chuyển đổi mô hình thu gom rác cho phù hợp và đảm bảo chuyên nghiệp.

“Điều đáng mừng là người dân ủng hộ, thực hiện việc phân loại rác tại nguồn khá tốt. Tuy nhiên, việc tổ chức thu gom chưa đồng bộ. Do đó, UBND TPHCM cần tổ chức lại đội ngũ thu gom rác chuyên nghiệp để tạo hiệu quả trong công tác phân loại rác tại nguồn”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh tại chương trình Lắng nghe và trao đổi về chủ đề phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, do HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sáng 1-4.

Chậm chuyển bộ trong thu gom

Hiện mỗi ngày, toàn TPHCM phát sinh khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt. Cách đây khoảng 9 tháng, HĐND TPHCM có nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, 50% hộ dân TPHCM thực hiện phân loại rác tại nhà. Tỷ lệ này tăng dần trong các năm tiếp theo. Triển khai thực hiện nghị quyết này, UBND TP yêu cầu 24 quận - huyện đồng loạt chọn ít nhất 3 phường (xã hoặc thị trấn) để thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn.

Tại chương trình, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết từ năm 2015, quận 12 đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn trong phạm vi hẹp. Kết quả ban đầu là rất tốt. Tuy nhiên, năm 2017, khi quận nhân rộng ra 30% trên toàn quận thì kết quả chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân có phần do người dân chưa có thói quen phân loại rác. Đồng thời, việc thu gom - do một số lượng lớn các đường dây thu gom rác dân lập thực hiện - chưa đồng bộ.

Chia sẻ thêm về công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Trần Thị Phương Hoa cho biết, hội đã xây dựng lực lượng tuyên truyền phân loại rác tại nguồn với trên 3.000 tuyên truyền viên. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn còn thấp với 30% số phụ nữ được tuyên truyền thực hiện đúng việc phân loại rác. Một bất cập khác là sau khi phân loại, lực lượng thu gom lại đổ chung rác đã phân loại với nhau.

Các đại biểu, cử tri phản ánh, nhiều nơi người dân phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ tại nhà rất tốt. Thậm chí có hộ, nhà chật hẹp, để 2 thùng rác phục vụ việc phân loại rác làm choán không gian sinh hoạt song vẫn thực hiện. Thế nhưng, người thu gom nhận rác rồi đổ chung lại. Điều này khiến người dân bất mãn, chán và không tiếp tục phân loại nữa.

Trước thực tế này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: Người dân ủng hộ thực hiện nhưng công tác thu gom không đồng bộ. Sự chuyển bộ như thế là không kịp thời, UBND TP phải rõ trách nhiệm trong quản lý để có giải pháp chuyển đổi mô hình thu gom rác cho phù hợp và đảm bảo chuyên nghiệp.

Cần chuyển đổi mô hình thu gom rác ảnh 1 Thu gom rác thải phân loại tại nguồn ở quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Đấu thầu thu gom rác sinh hoạt

Đứng ở góc độ thu gom rác, ông Lý Văn Hòa, Giám đốc HTX Bảo Tín (huyện Hóc Môn), giải thích đơn vị hiện có gần 110 công nhân, thực hiện thu gom rác ở 39.000 hộ dân trên địa bàn huyên Hóc Môn. Mỗi ngày, HTX thu gom khoảng 140 tấn rác sinh hoạt, do 146 xe vận chuyển nhưng tất cả đều là xe thô sơ, chưa có 2 ngăn đựng 2 loại rác riêng.

“Chúng tôi nhận thức rất rõ xe thu gom rác phải có 2 ngăn để chứa rác đã phân loại. Tuy nhiên, kinh phí chuyển đổi 146 xe chở rác trên lên đến 50 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn, gây khó khăn đối với HTX và các xã viên”, ông Hòa phân trần.

Trong khi đó, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng, cho biết qua 9 tháng thực hiện nghị quyết của HĐND TP, mô hình thu gom rác đã có sự chuyển biến bước đầu. Qua đó, có 4 HTX và 20 công ty thành lập mới, nâng số HTX và doanh nghiệp thu gom rác lên lần lượt là 16 và 80 đơn vị. Bên cạnh việc chuyển đổi mô hình thu gom, sự thay đổi phương tiện thu gom cũng là yếu tố quan trọng tạo sự đồng bộ trong “chuỗi” phân loại rác tại nguồn.

Về việc chuyển đổi phương tiện thu gom, ông Nguyễn Toàn Thắng gợi ý đến chính sách hỗ trợ của TPHCM như cho vay vốn kích cầu hoặc vay vốn với lãi suất ưu đãi (chưa đến 5%/năm) để đơn vị thu gom có điều kiện đầu tư, thay thế xe chở rác cho phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng nhận kết quả phân loại rác trên toàn địa bàn TPHCM còn thấp. Vì vậy, UBND TP sẽ đánh giá về hiệu quả thực hiện từ khâu tuyên truyền đến thu gom, vận chuyển và xử lý.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở TN-MT xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện phân loại rác các địa phương, từng địa bàn cụ thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nhân rộng những cách làm hay.

Về việc thu gom, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định TPHCM sẽ thực hiện đấu thầu thu gom rác, kể cả rác dân lập cũng phải tham gia đấu thầu. Một trong những điều kiện quan trọng để được lựa chọn là đáp ứng tiêu chí phân loại rác tại nguồn.

Tin cùng chuyên mục