Cần chính sách ưu đãi để điện ảnh phát triển

Sáng 23-10, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ. Ảnh: VIẾT CHUNG

Điện ảnh góp phần quảng bá hình ảnh đất nước

Đóng góp về Luật Điện ảnh (sửa đổi), phát biểu tại tổ 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu (ĐB) Quốc hội TPHCM, nhấn mạnh, công nghiệp điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh xã hội hóa việc sản xuất phim ảnh, Nhà nước nên có cơ chế đặt hàng, dành kinh phí, hỗ trợ cần thiết cho các tác phẩm lịch sử tư liệu, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Cùng với đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước trong phát triển công nghiệp điện ảnh. “Tại sao chúng ta chiếu quá nhiều phim nước ngoài trong khi có thể xây dựng văn hóa dân tộc, lịch sử qua điện ảnh?”, Chủ tịch nước đặt câu hỏi và cho rằng, dự thảo luật này phải có những quy định để khi ban hành chúng ta có nhiều tác phẩm điện ảnh tốt nhằm giữ gìn truyền thống, phát triển đất nước.

ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đánh giá cao vai trò của điện ảnh trong việc lan tỏa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, chính sách để phát triển điện ảnh Việt Nam còn chung chung, khó đi vào đời sống. ĐB Lê Hoàng Anh đề nghị cần tập trung làm rõ 2 chính sách mà nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đang thực hiện và giúp nền điện ảnh phát triển. Thứ nhất là ưu đãi tài chính cho sản xuất phim để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Thứ hai là hợp tác với các nước trong việc sản xuất phim. Hiện nay, chính sách cho vấn đề này còn manh mún chưa rõ, rất khó thực hiện. 

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM, đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phim trường, từ đó thu hút các nhà đầu tư để có những phim trường hiện đại vừa để phục vụ sản xuất phim trong nước, vừa phục vụ cho các nhà sản xuất phim nước ngoài đến thuê…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo 1 trong 2 hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phương án 2 là giữ nguyên quy định của luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim). Theo tờ trình của Chính phủ, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1. Thẩm tra dự án luật, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục lựa chọn phương án 2. Việc thực hiện đấu thầu sẽ tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. 

Quy định chặt để chống chạy khen thưởng 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những hạn chế trong lĩnh vực thi đua khen thưởng khi đóng góp cho dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Theo Chủ tịch nước, đó là chúng ta tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ. Do đó, luật sửa đổi cần đưa ra các quy định để thi đua thực tế hơn, chống hình thức và thấm sâu tới từng cơ quan đơn vị. Đồng thời phải có quy định chặt chẽ để chống chạy khen thưởng để nâng lương, quân hàm; có chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình trình thành tích thi đua, khen thưởng. Chẳng hạn, nếu một người bị thu hồi thành tích thi đua, khen thưởng do có khiếu nại việc khen thưởng không chính xác thì người trình phải chịu trách nhiệm và người thẩm tra, thẩm định cũng phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cần có hình thức tôn vinh những cá nhân, tổ chức, các tuyến đầu và tuyến sau trong phòng chống dịch Covid-19. Bởi lẽ, ngoài lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội, còn rất nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức là những tấm gương điển trong công tác phòng chống Covid-19. Họ là những nhà thiện nguyện, có người đóng góp hàng ngàn tỷ đồng nhưng không tính toán, không cần nêu tên. 

Cũng liên quan đến vấn đề khen thưởng lực lượng tuyến đầu, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) băn khoăn: “Những cán bộ chiến sĩ, tổ trưởng tổ dân phố… hy sinh có được xét công nhận liệt sĩ hay không”? Theo ĐB, những người này rất xứng đáng được công nhận là liệt sĩ và cho rằng cần phải tri ân, vinh danh thật nhanh lực lượng tham gia chống dịch vừa qua, đồng thời có những khen thưởng “khẩn cấp”.

Tin cùng chuyên mục