Cần chính sách để hỗ trợ sinh viên lựa chọn học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước

“Học tiến sĩ thì phải được nghiên cứu, được có những thay đổi đột phá về phương pháp để khi tốt nghiệp, các em có thể làm giảng viên hoặc làm bất cứ việc gì. Hiện Việt Nam không có cơ chế trả lương cho người nghiên cứu, nên không hút được người giỏi học SĐH trong nước" - ”, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nói.

Với mục tiêu chia sẻ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách hỗ trợ và nâng tầm đào tạo sau đại học (SĐH) nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và gắn kết nhà nghiên cứu - viện nghiên cứu - trường đại học với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của toàn cầu hoá và Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 23-3, Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội và Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn thuộc Tập đoàn VinGroup đa tổ chức tọa đàm “nâng cao chất lượng đào tạo SĐH - Chính sách học bổng và hợp tác nhà trường - doanh nghiệp”.

Cần chính sách để hỗ trợ sinh viên lựa chọn học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước ảnh 1 Ký kết hợp tác đào tạo sau đại học
Việt Nam cần thêm 17.000 tiến sĩ

Theo GS Vũ Hà Văn - Đại học Tổng hợp Yale (Hoa Kỳ), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Tập đoàn Vingroup - hiện Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển của khu vực, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu ngày một tăng cao. Tuy nhiên, việc đào tạo SĐH trong những năm gần đây chịu tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố kinh tế, xã hội và cạnh tranh quốc tế nên số lượng người học tham gia học tập, nghiên cứu bậc SĐH tại các cơ sở đào tạo trong nước, đặc biệt là các trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ ngày càng giảm sút, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trong nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai.

Thách thức này đòi hỏi những giải pháp đột phá, những động lực mới. Đó là lý do mà hơn 20 viện nghiên cứu, trường đại học, đại diện nhiều DN lớn đã tham gia hội thảo để tìm kiếm các giải pháp đột phá cho đào tạo SĐH ở Việt Nam. Trong đó, đặc biệt là xây dựng hệ sinh thái hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ (TS), nhà khoa học.

PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam có thế mạnh về tài nguyên và nhân công giá rẻ, nhưng những năm tới nguồn nhân lực chất lượng cao mới là yếu tố cạnh tranh. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm về nghiên cứu lớn của thế giới.

Ông Sơn dẫn kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 78% doanh nghiệp, tập đoàn được hỏi trong một khảo sát đều đưa ra yếu tố đầu tiên để lựa chọn địa điểm đầu tư là chất lượng nhân lực; sau đó mới là chi phí sản xuất và chính sách thể chế hỗ trợ môi trường kinh doanh… Trong bối cảnh mới, việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ với người lao động ngày càng cao.

Vẫn theo ông Hoàng Minh Sơn, hiện nhu cầu nhân lực có trình độ sau ĐH là rất lớn. Riêng với các cơ sở giáo dục ĐH, để đạt được tỷ lệ 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Việt Nam cần thêm 17.000 tiến sĩ và cần ít nhất 6-7 năm nữa mới đạt được con số này. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ với cơ sở giáo dục ĐH tối thiểu cần 50% với trường theo hướng ứng dụng. Trong khi đó, tỷ lệ hiện tại trung bình toàn quốc mới chỉ là 27% . Như vậy, vai trò của các trường ĐH để đào tạo nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Trong đó liên kết với các DN là vấn đề cần được đặt ra cấp bách.

Đào tạo sau đại học đang phụ thuộc nước ngoài

Điều đáng quan tâm là đào tạo SĐH đang ngày càng giảm. 15 trường tốp đầu trong khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật chỉ chiếm dưới 10% quy mô toàn hệ thống.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cách đây 5 năm, quy mô tuyển sinh thạc sĩ khoảng 2.000 chỉ tiêu /năm, nhưng nay đã giảm chỉ còn 500-600 chỉ tiêu và khoảng 80% trong số đó được tốt nghiệp. Với năng lực đào tạo của trường (gần 800 giảng viên là tiến sĩ, hơn 40 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ) thì con số 500-600 thạc sĩ là rất ít (bằng khoảng 1/10 quy mô tuyển sinh ĐH). Với đào tạo tiến sĩ, việc tuyển sinh nhiều năm ổn định khoảng 100 người mỗi khóa, nhưng năm vừa rồi chỉ tuyển được 35 chỉ tiêu.

Theo PGS, Hiệu trưởng Mai Thanh Phong, tình trạng tương tự cũng xảy ra với Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Nhiều năm gần đây, số học viên của trường tham gia học SĐH giảm mạnh. Trước đây, số lượng tuyển mỗi năm đạt khoảng 1.300-1.400 chỉ tiêu, nhưng gần đây giảm chỉ còn 500-600 chỉ tiêu mỗi khóa.

“Nhu cầu học SĐH là có, nhưng xu hướng là đi học ở nước ngoài. Do đào tạo SĐH cũng chưa bảo đảm chất lượng. SĐH vẫn mới chỉ là từ ĐH học lên, chương trình chưa có sự đột phá, thiết kế linh động, phù hợp”, ông Phong nói.

Chỉ ra nguyên nhân tại sao nhiều người không mặn mà với việc học SĐH, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, nhiều sinh viên tốt nghiệp xong thì chọn con đường đi làm ngay chứ không học SĐH để có tương lai tốt hơn. Bởi để học thì phải có địa điểm học, kinh phí phù hợp. Sở dĩ các em thích học SĐH ở nước ngoài vì dễ có học bổng, cơ hội tốt hơn, các em ít phải trả chi phí.

“Nhiều khi học Tiến sĩ ở nước ngoài không bằng ở trong nước nhưng điều kiện tốt hơn: được tài trợ, được trải nghiệm môi trường nước ngoài nên các em chọn, và học xong thì các em lại không về nước”, ông Sơn nói.

Ông Sơn lấy ví dụ, nhiều trường đại học nước ngoài đến mời chào thậm chí có ranking thấp hơn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng họ lại có hỗ trợ cho học viên. Như vậy, các em sẽ lựa chọn đi học ở nước ngoài vì vừa có trải nghiệm mới, vừa được trả tiền để đi học.

Cần chính sách để hỗ trợ sinh viên lựa chọn học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước ảnh 2 Đông đảo sinh viên tham gia tọa đàm

Do đó, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, muốn thu hút đào tạo tiến sĩ trong nước thì phải có cơ chế hỗ trợ các em, các trường thì phải nâng cao chất lượng, nếu học SĐH mà chỉ thêm một số môn thì giá trị gia tăng không lớn.

“Học tiến sĩ thì phải được nghiên cứu, được có những thay đổi đột phá về phương pháp để khi tốt nghiệp, các em có thể làm giảng viên hoặc làm bất cứ việc gì. Hiện Việt Nam không có cơ chế trả lương cho người nghiên cứu, nên không hút được người giỏi học SĐH trong nước" - ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, GS Vũ Hà Văn mong muốn cấp học bổng cho đào tạo SĐH. Đó như là một giải pháp để cấp bách giải quyết vấn đề đào tạo nhân lực trình độ cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản.

Tại hội thảo, Quỹ Đổi mới sáng tạo thuộc Tập đoàn Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VINIF) cũng đã công bố “Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước”.

Theo đó, Quỹ VINIF sẽ trao 100 suất học bổng hỗ trợ học tập với trị giá lên đến 120 triệu đồng/năm cho bậc học thạc sĩ và 150 triệu đồng/năm với bậc học tiến sĩ. Bên cạnh học bổng hỗ trợ học tập nói trên, Quỹ VINIF còn tiếp tục hỗ trợ thêm lệ phí đăng ký, đi lại, ăn ở học viên cao học và nghiên cứu sinh đã nhận học bổng hỗ trợ học tập tham dự các hội nghị quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) và Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBDI) về việc ưu tiên dành các suất học bổng của Quỹ VINIF cho học viên cao học ngành Toán ứng dụng.

Đây là sự kiện đánh dấu cái “bắt tay” đầy quyết tâm giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước nhằm gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, cung cấp kiến thức chuyên môn hiện đại và năng lực nghề nghiệp chuyên nghiệp hướng tới phát triển Việt Nam trở thành một trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh của khu vực. 

Tin cùng chuyên mục