Cần chế biến sâu nông sản Việt

Thông qua tình hình xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy, cán cân thương mại tiếp tục đạt thặng dư gần 3,5 tỷ USD. Những mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, điện - điện tử vẫn tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, có yếu tố rất đáng lo ngại khi kim ngạch xuất khẩu ghi nhận sự sụt giảm của mặt hàng nông sản.

Cụ thể, cà phê đạt 1,6 tỷ USD, giảm 12% (lượng tăng 1,8%); cao su đạt 630 triệu USD, giảm 10,8% (lượng tăng 19,6%); hạt tiêu đạt 379 triệu USD, giảm 37,1% (lượng tăng 6,2%).

Thực tế này đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ cuối năm 2017. Theo đó, các chuyên gia lý giải sản phẩm tiêu và cà phê Việt chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, trong khi xu hướng tiêu dùng trên thế giới đang chuyển sang sử dụng sản phẩm organic.

Tiêu chuẩn ngưỡng an toàn thuốc bảo vệ thực vật tại thị trường châu Âu có sự điều chỉnh theo hướng ngặt nghèo hơn, nên sản phẩm Việt Nam rất khó đáp ứng. Do vậy, để có thể hỗ trợ nông sản Việt Nam phát triển bền vững, giữ nhịp độ tăng trưởng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành chế biến nông sản, thực phẩm. Cụ thể như sản xuất dầu tiêu, cà phê hòa tan… Mặt khác, hỗ trợ nông dân tiếp cận cách trồng trọt mới, đáp ứng tiêu chí toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục