Cần cảnh giác trước những thông tin giả mạo

Theo thông tin phát đi của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận thông tin có một số tổ chức, cá nhân mạo danh cục liên hệ để chào mời, cung cấp thông tin sai lệch tới các hội bảo vệ người tiêu dùng.

Theo đó, đối tượng mạo danh tự xưng là cán bộ của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương và đề nghị các hội đăng ký mua bộ tài liệu nâng cao năng lực hoạt động công tác hội cho các địa phương. 

Cục này khẳng định các thông tin trên không đúng sự thật. Trong trường hợp tiếp nhận các thông tin nghi ngờ từ đối tượng mạo danh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người tiêu dùng, các hội bảo vệ người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân liên hệ tới cục để xác minh thông tin trước khi quyết định thực hiện các đề nghị do đối tượng đưa ra.

Trên thực tế, việc mạo danh các đơn vị, tổ chức để trục lợi không còn xa lạ. Năm 2019 đã có một số đối tượng mạo danh siêu thị Co.opmart để bán hàng online không rõ nguồn gốc. Lúc đó, có nhiều trang facebook có tên Co.opmart giới thiệu và bán bộ dao, kéo làm bếp với 8 món giá 199.000 đồng. Một điểm đặc biệt của trang bán hàng này là khi khách hàng tìm hiểu thông tin về địa chỉ nơi bán hầu như không có. Khi khách hàng hỏi mua sản phẩm thì trang bán hàng nhanh chóng nhắn tin riêng để giao dịch. 

Do đó, để tránh việc các đối tượng cố tình tạo các trang giả mạo, giả danh, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để lừa đảo bán hàng, khi mua sắm bất kỳ sản phẩm nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của các trang quảng cáo, nguồn gốc sản phẩm để tránh thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục