Cần cấm xuất khẩu thô để không “chảy máu” đá trắng

Đá trắng được xếp vào dạng tài nguyên quý hiếm của Việt Nam, chỉ có ở tỉnh Nghệ An và Yên Bái. Trong nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đã xuất khẩu đá trắng thô với sản lượng hàng triệu tấn. Việc xuất thô đá trắng khiến nguồn lợi thu về rất thấp so với giá trị thực của nó.

Đá trắng ở Nghệ An phân bố chủ yếu ở huyện Quỳ Hợp với trữ lượng hàng trăm ngàn tấn. Trong nhiều năm qua, mặt hàng đá trắng các loại như: đá hộc trắng, đá trắng xay siêu mịn và đá ốp lát của tỉnh Nghệ An chủ yếu xuất khẩu qua cảng Cửa Lò, Hải Phòng và Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Cần cấm xuất khẩu thô để không “chảy máu” đá trắng ảnh 1 Những ngọn núi ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bị đào bới tan hoang do khai thác đá trắng

Theo Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương Nghệ An), năm 2018, tỉnh xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1,210 triệu tấn, thu được trên 24,181 triệu USD, trong khi bột đá trắng siêu mịn xuất khẩu là 383.667 tấn, thu lại 40,51 triệu USD. Chỉ khoảng 24% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến, còn lại gần 76% là xuất thô.

Năm 2020, xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1,246 triệu tấn, thu về gần 24 triệu USD, trong khi bột đá trắng siêu mịn xuất khẩu gần 590.000 tấn, thu lại 47 triệu USD (chỉ khoảng hơn 32% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến, còn lại tới gần 68% là xuất thô).

Theo số liệu trên, giá trị thu lại từ 1 tấn đá hộc trắng thô trung bình chỉ được khoảng trên dưới 20 USD, trong khi đá trắng xay thành bột siêu mịn tương đương khoảng 90-100 USD. Nếu như hơn 1,2 triệu tấn đá hộc trắng thô xuất đi trong năm 2020 được chế biến thành đá xay siêu mịn trước khi xuất khẩu sẽ thu về khoảng 100 triệu USD. Nếu đem lượng đá hộc trắng thô xuất khẩu từ năm 2017 đến năm 2020 chế biến thành bột đá siêu mịn trước khi xuất khẩu thì sẽ thu về hơn 400 triệu USD. 

Theo nhiều chuyên gia, thực tế này cho thấy mức chênh lệch giá trị giữa xuất khẩu thô và xuất khẩu đã qua chế biến quá lớn. Trước thực trạng “chảy máu” đá trắng, các chuyên gia khuyến nghị cơ quan chức năng cần hạn chế, thậm chí nghiêm cấm xuất khẩu ở dạng thô để chế biến sâu, sau đó mới xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục