Cần cách khác để xác định lương tối thiểu

Nhóm chi phí liên quan đến lao động và bảo hiểm xã hội là nhân tố rất đáng lưu ý trong thời gian tới để đảm bảo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. 
Giảm thiểu chi phí lao động cũng là yêu cầu cần thiết để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Giảm thiểu chi phí lao động cũng là yêu cầu cần thiết để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Nhận định được nêu tại cuộc hội thảo về vấn đề cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội chiều 24-8.

Theo TS Đặng Quang Vinh, CIEM, lương tối thiểu đang tăng nhanh và tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động; chi phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng nhanh cả về tỷ lệ đóng và cơ sở tính mức phí. Bên cạnh đó, phí công đoàn (2% quỹ lương) được coi là cũng chưa hợp lý.

Ông Đặng Quang Vinh phân tích, trong khi Luật Lao động quy định mỗi năm điều chỉnh tăng lương tối thiểu một lần và tổng thu nhập của người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu, thì hiện chưa có sự rõ ràng, thống nhất về “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Đáng lưu ý, Luật BHXH quy định tỷ lệ đóng BHXH tăng dần để đạt mức 34,5% vào năm 2018. Thêm vào đó, cũng từ năm 2018, các loại phí BHXH sẽ được tính trên tổng mức thu nhập của người lao động, tức là kể cả các khoản phụ cấp, ngoài tiền lương, tiền công. Đó là chưa kể doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian để nộp phí BHXH cho người lao động (theo Doing Business, doanh nghiệp Việt Nam phải nộp BHXH 12 lần/năm, trung bình mất 189 giờ, so với Thái Lan chỉ mất 48 giờ)…

Liên quan đến phí công đoàn, nhiều doanh nghiệp phải đóng thêm phí công đoàn mặc dù không có công đoàn cơ sở, hoặc trước đây phải đóng ít hơn (đối với doanh nghiệp FDI) theo quy định của Luật Công đoàn.

Để hoá giải những cản ngại này, chuyên gia CIEM khuyến nghị xác lập nguyên tắc xác định lương tối thiểu trên cơ sở tăng năng suất lao động và lạm phát; làm rõ sự khác biệt giữa lương tối thiểu và thu nhập thực tế của người lao động, thống nhất cách đo lường mức sống của từng vùng. Giảm 1% phí công đoàn, giảm tỷ lệ đóng BHXH xuống mức phù hợp với thông lệ quốc tế (khoảng 20% tổng thu nhập), đồng thời giao cho một cơ quan độc lập nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHXH (để giảm áp lực tăng mức đóng  BHXH) cũng là những giải pháp quan trọng khác.  

Tin cùng chuyên mục