Cân bằng hài hòa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường

Ngày 7-9, tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) đã khai mạc trọng thể. Hội nghị diễn ra từ ngày 6-9 đến ngày 8-9 với chủ đề “Sự dẫn dắt nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn nhằm đem lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và Trái đất này”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên

Trong phiên thảo luận có chủ đề: “Để đạt được phát triển bền vững đòi hỏi tập trung hơn vào những lĩnh vực nào, hạnh phúc ấm no cho người dân, bảo vệ môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm cho rằng, phát triển bền vững cần chú trọng vào việc chăm lo sức khỏe con người và bảo vệ môi trường hơn là chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Điều này là phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hiệp quốc (LHQ) và là sự cân bằng hài hòa của 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực tế rút ra rất nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19 chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc về việc phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người, đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cộng đồng, luôn sẵn sàng để đối phó với các dịch bệnh khó lường trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam đã thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về chuyển đổi mô hình kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường tái chế, tái sử dụng; nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường...

Từ thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có một số chia sẻ: Thứ nhất, người dân phải là trung tâm cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia. Thứ hai, thực hiện công bằng vaccine cho mọi người; hợp tác sản xuất vaccine; tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông hàng hóa và dịch vụ; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế. Thứ ba, Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các cơ chế đa phương hiệu quả là cơ sở cho kết nối hài hòa giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu với thực tiễn của khu vực và quốc gia vì hòa bình, phát triển bền vững.

Tích cực trao đổi với LHQ và IAEA

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm và làm việc tại trụ sở LHQ ở Vienna và gặp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá IAEA đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội đề nghị IAEA chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trong hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý và ứng dụng hiệu quả năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế, đi đôi với bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, ủng hộ Việt Nam tham gia các sáng kiến quan trọng của IAEA.

Tại cuộc gặp với Trưởng Văn phòng đại diện LHQ tại Áo, bà Ghada Fathi Waly, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn LHQ đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19, mong muốn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế sau đại dịch, đi đôi với khắc phục những tác động tiêu cực của Covid-19 đối với sinh kế của người dân.

Về phần mình, bà Ghada Fathi Waly khẳng định cam kết của LHQ trong việc tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam; đánh giá cao và ủng hộ đề xuất của Việt Nam đưa ra tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về tăng cường an ninh biển lần đầu tiên được Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức về việc thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do LHQ điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung và khẳng định LHQ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong đảm bảo an ninh biển.

Tin cùng chuyên mục