Cấm xe khách giường nằm vào trung tâm TPHCM: Cần lộ trình thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất lập vành đai cấm ô tô giường nằm vào nội đô thành phố nhằm giảm ùn tắc, tai nạn và hạn chế xe dù, bến cóc. Tuy nhiên, cần xem xét quy hoạch các bến bãi, lộ trình vận tải công cộng để tạo thuận lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp. 
Xe khách giường nằm tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh
Xe khách giường nằm tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh

Chủ trương phù hợp 

Ngoài Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây tập trung hầu hết các tuyến xe khách đi và đến các tỉnh thành, TPHCM còn nhiều bãi xe, điểm đưa đón khách bằng xe giường nằm ở khu trung tâm. Theo Sở GTVT, hiện TPHCM quản lý hơn 1.600 ô tô khách giường nằm, gồm các loại 22-44 giường/xe. Trong đó, ô tô khách hoạt động ở 5 bến liên tỉnh tại TPHCM lộ trình cố định không qua trung tâm TP, chỉ những xe chạy hợp đồng, du lịch ra vào nội đô. Hiện có 107 điểm đón trả khách ở trụ sở, bãi xe, cây xăng, trong đó, nhiều điểm các xe núp bóng chạy hợp đồng, du lịch nhưng hoạt động như tuyến cố định. Theo các chuyên gia đô thị, tình trạng quá tải phương tiện giao thông, trong đó có xe khách đang tạo áp lực rất lớn đến mật độ giao thông, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… 

Từ thực tế nói trên, Sở GTVT TPHCM đề xuất lập vành đai cấm ô tô giường nằm vào nội đô. Theo đó, vành đai được giới hạn bởi các tuyến đường: QL1A -đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội. Theo một số chuyên gia, đề xuất này là hợp lý nhưng phải tính toán để tránh tình trạng “cấm chỗ này, bung chỗ kia”. Đó là sẽ phát sinh xe trung chuyển chạy bát nháo, nhà xe bỏ khách ven cao tốc, quốc lộ, vùng ngoại thành gây mất an toàn cho người dân, mất trật tự khi tạo ra làn sóng lập “bến cóc, xe dù” ở các khu vực giáp ranh nội thành.

Ông Võ Quốc Bình, giám đốc một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cho rằng, lập vành đai cấm xe giường nằm vào nội đô sẽ giảm kẹt xe và cắt đuôi các loại hình kinh doanh vận tải “trá hình” lâu nay. “Nên cấm tuyệt đối để đem lại môi trường cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp vận tải nhưng lưu ý khâu trung chuyển khách, phát triển tuyến đường trung chuyển phù hợp để thuận tiện cho người dân”, ông Bình kiến nghị.

Cần hoàn thiện hệ thống trung chuyển  

Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, với những loại xe khách giường nằm đường dài, hành khách đi - đến đều vào bến. Vấn đề là khâu trung chuyển sao cho thuận lợi. “Các hãng xe cần đầu tư hệ thống xe trung chuyển từ 12-16 chỗ ngồi để đón trả khách. Nhưng điều này lại tăng chi phí cho doanh nghiệp”, PGS-TS Phạm Xuân Mai nhìn nhận. Các chuyên gia cũng cho rằng, một khi cấm xe giường nằm vào trung tâm TP sẽ gia tăng xe trung chuyển, xe hợp đồng “trá hình” hoạt động bát nháo. Trong khi, hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, metro chưa đủ đáp ứng hết nhu cầu, chưa thuận tiện cho người dân. Vì vậy, cùng với lập vành đai cấm xe giường nằm, PGS-TS Phạm Xuân Mai đề xuất Sở GTVT có lộ trình quy hoạch lại mạng lưới vận tải công cộng, bến bãi phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận. 

Việc lập vành đai cấm xe khách giường nằm vào nội thành cũng khiến không ít doanh nghiệp lữ hành gặp khó. “Tôi ủng hộ chủ trương nhưng cần xem xét một số loại hình được miễn trừ, trong đó có doanh nghiệp lữ hành”, giám đốc một công ty du lịch tại quận 1, nói. Ông Nguyễn Văn Cấp, Giám đốc điều hành Công ty CP Vận chuyển dịch vụ du lịch Miền Nam cũng phân vân, bởi sẽ phát sinh tình trạng xe giường nằm chạy tuyến cố định nhưng “trá hình” xe hợp đồng du lịch. “Hiện không chỉ xe giường nằm chạy hợp đồng trong nước mà nhiều xe khách giường nằm của Lào, Campuchia cũng chạy qua TP. Sở GTVT cần phối hợp với Sở Du lịch để có phương án cụ thể, hợp lý và cạnh tranh công bằng”, ông Cấp đề xuất.

Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM kiến nghị nên cấm theo khung từ 6 đến 22 giờ. Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội, kiến nghị cần có lộ trình triển khai cũng như điều chuyển các tuyến xe buýt xuyên tâm hiện nay để thuận lợi hơn cho người dân như: Bến xe Chợ Lớn - Biên Hòa (dừng ở Bến xe Miền Đông), Bến xe Miền Tây - KCN Sóng Thần (dừng ở Bến xe Miền Đông) hoặc Bến xe Chợ Lớn - Bình Chánh (dừng ở Bến xe Miền Tây hoặc Bến xe quận 8 nếu chạy theo QL50).

Sở GTVT đề xuất cấm theo 2 khung giờ là cả ngày hoặc từ 6 đến 22 giờ. Trên các tuyến đường vành đai, xe được chạy bình thường. Trong khu vực vành đai, ô tô giường nằm khi vào Bến xe Miền Đông theo lộ trình: QL1A - QL13 - đường Đinh Bộ Lĩnh. Hướng ngược lại từ bến xe này đi ra theo trục QL13 - QL1A. Còn tại Bến xe Miền Tây, xe ra vào bến theo lộ trình QL1A - đường Kinh Dương Vương và ngược lại.

Tin cùng chuyên mục