Cái tài, cái tâm và cái tầm của nhà làm phim

Ranh giới giữa hiện thực cuộc sống và bức tranh được mô tả trên màn ảnh vốn luôn mong manh và gây tranh cãi. Rời xa đời sống, phim ảnh mất đi chân giá trị, nhưng làm thế nào để cân bằng giữa sự thật và hư cấu, từ đó thuyết phục khán giả luôn là vấn đề nan giải.

Những ồn ào tưởng chừng đã khép lại với Em và Trịnh - phim Việt duy nhất vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng trong năm 2022 của điện ảnh Việt tính đến thời điểm hiện tại.

Tranh cãi một lần nữa lại bùng lên khi luật sư đại diện cho giáo sư Michiko Yoshii - một trong những nàng thơ được đề cập trong phim, gửi văn bản yêu cầu nhà sản xuất phải công khai xin lỗi vì đã phổ biến đến công chúng đời sống riêng tư khi chưa được sự đồng ý và trái với ý chí của bà. Trước đó, 2 nàng thơ khác trong Em và Trịnh đã lên tiếng việc thể hiện hình tượng của họ trên phim.  

Em và Trịnh gần như là tác phẩm điện ảnh tiên phong ở thể loại phim tiểu sử. Chính đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng thừa nhận, cả anh và nhà sản xuất đều rất liều khi thực hiện dự án này.

Câu hỏi đặt ra, với thể loại phim tiểu sử, làm thế nào để minh định giữa việc phản ánh câu chuyện, nhân vật có thật và sự hư cấu để đáp ứng yêu cầu nghệ thuật. Và việc đánh giá “không đúng sự thật” sẽ dựa trên những tiêu chí gì. 

Những tranh cãi liên quan đến câu chuyện sự thật và hư cấu trên phim ảnh luôn tồn tại, ranh giới vô hình, mong manh. Thực tế, nhà làm phim nào cũng hiểu rằng không thể bê nguyên hiện thực cuộc sống lên màn ảnh.

Nếu vậy đạo diễn Aaron Toronto chỉ cần đến ghi hình một đám tang ngoài thực tế sẽ chân thực hơn nhiều so với cách anh sáng tạo trong Đêm tối rực rỡ. Với thể loại phim tài liệu, nhà làm phim phải sáng tạo dựa trên sự thật.  

Thực tế cuộc sống luôn ngồn ngộn, nhưng có những bộ phim thuyết phục được khán giả và ngược lại, bị ném đá không thương tiếc. Ấy là bởi, thông qua lăng kính nghệ thuật thực tế cuộc sống ngoài kia đã được nhân cách hóa, thêm bớt và cả hư cấu, vừa đảm bảo sự tự nhiên, chân thực, gần gũi, nhưng không quá trần trụi. Hư cấu là cả một nghệ thuật.

Là hư cấu đó, nhưng vẫn khiến khán giả phải tin, hồi hộp theo dõi. Tất nhiên, quá trình sáng tạo của nhà làm phim phải bắt nguồn từ đời sống thực tiễn, dựa trên nhận thức, hiểu biết. Một bộ phim sẽ trở thành vô nghĩa nếu không phản ánh hiện thực, tồn tại xã hội nào đó (kể cả là giả tưởng) và có tác dụng tích cực trở lại đối với đời sống xã hội. Thực tế đã chứng minh, hầu hết tác phẩm điện ảnh được xếp vào hàng kinh điển, trường tồn với thời gian, có giá trị nhân văn, nhân bản luôn rất cao. 

Trong quá trình sáng tạo, hầu hết nhà làm phim đều mong muốn tác phẩm mình làm ra không phải chỉ để khán giả thưởng thức đơn thuần. Họ còn đặt mục tiêu cao hơn: người xem phải là một phần của bộ phim hay thấy đâu đó hình ảnh, câu chuyện của mình trong tác phẩm.

Ấy chính là sợi dây kết nối vô hình nhưng tạo ra sức mạnh vô tận. Chạm đến cảm xúc và lòng trắc ẩn của khán giả chính là mục tiêu cao nhất của phim ảnh, từ đó góp phần nâng cao cả về giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí.  

Bài học từ Em và Trịnh không chỉ đắt giá cho những nhà làm phim muốn theo đuổi dòng phim về nhân vật, sự kiện có thật. Nó luôn đúng với bất cứ thể loại hay dòng phim nào. Việc dung hòa giữa thực tế, yếu tố nghệ thuật đồng thời vẫn thể hiện cá tính của nhà làm phim chưa bao giờ dễ dàng.

Muốn làm được điều đó, cần cái tài, cái tâm và cái tầm của nhà làm phim dựa trên kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm thực tế. Quan trọng không kém, họ cần tạo không gian sáng tạo, thay vì những áp đặt hà khắc ngay từ trong tư tưởng.

Tin cùng chuyên mục