Cải cách tư pháp để phục vụ người dân TPHCM tốt hơn

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, các cơ quan tư pháp của TPHCM phải nỗ lực hơn nữa, năng động hơn nữa, phải cải cách đổi mới hơn nữa theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và cùng phối hợp để chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ và ngày càng phục vụ người dân thành phố tốt hơn.
Chiều 22-4, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2021, triển khai chương trình làm việc năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có các đồng chí: Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Cải cách tư pháp để phục vụ người dân TPHCM tốt hơn ảnh 1 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xây dựng quy chế phối hợp chia sẻ trách nhiệm, phục vụ người dân tốt hơn 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe tính mạng con người. Trong đó hoạt động cải cách tư pháp của TPHCM cũng chịu ảnh hưởng. Để đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu, cải cách tư pháp phải đi sâu vào đổi mới sáng tạo để mang lại hiệu quả cao hơn.
Trong đó, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, các hoạt động tư pháp của TPHCM phải đẩy mạnh hoạt động trên môi trường số để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới hiện nay, có như thế mới không tụt hậu. Đồng thời, đổi mới những hoạt động tư pháp không còn phù hợp để từ đó góp phần xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp và hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính. Đó còn là mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền và lợi ích chính đáng của người dân và phục vụ người dân tốt hơn trong thời gian tới.
Cải cách tư pháp để phục vụ người dân TPHCM tốt hơn ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG 
Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu những người làm tư pháp của TPHCM phải luôn đặt mình vào vị trí của người dân, phải thấy được sứ mệnh phục vụ người dân TPHCM.
Trước những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc đang trở thành thử thách rất lớn đối với các cơ quan tư pháp của TPHCM, đồng chí yêu cầu nhanh chóng rà soát, báo cáo cụ thể, chi tiết để từ đó có các giải pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời.
Liên quan đến nhân sự ở các cơ quan tư pháp đang còn thiếu, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cơ quan tư pháp của TPHCM cần chủ động tạo nguồn nhân lực, nhanh chóng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng để kịp thời bổ sung nhân lực cho các hoạt động trong các cơ quan tư pháp. Đồng thời, cần quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ làm công tác tư pháp để họ yên tâm công tác tốt. Đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện nay còn thiếu và xuống cấp, từng cơ quan rà soát để cải tạo, nâng cấp phục vụ tốt hơn cho các hoạt động tư pháp của TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu thêm, đối với những hạn chế, bất cập thuộc về thẩm quyền của từng cơ quan tư pháp phải nhanh chóng khắc phục. 
Tuy nhiên, trước hết, từng cơ quan tư pháp của TPHCM phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức, phẩm chất người thực thi công vụ, tạo môi trường làm việc tốt và nhất là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong từng cơ quan, đơn vị.
Cải cách tư pháp để phục vụ người dân TPHCM tốt hơn ảnh 3 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG 
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, các cơ quan tư pháp của TPHCM cần phải nỗ lực hơn nữa, năng động hơn nữa, phải cải cách đổi mới hơn nữa theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc; đẩy mạnh thi đua để nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc và hạn chế tối đa những trì trệ, tác động tiêu cực. Đồng thời, các cơ quan tư pháp của TPHCM cùng phối hợp để chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ và ngày càng phục vụ người dân thành phố tốt hơn.
Đổi mới khắc phục khó khăn
Trước đó, tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh cho biết, năm qua mô hình liên thông giữa 96 tổ chức hành nghề công chứng với các Văn phòng đăng ký đất đai quận huyện, TP Thủ Đức đã mang lại hiệu quả cao. Năm 2022, Sở Tư pháp TPHCM sẽ tiếp tục liên thông với cơ quan thuế để việc giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân được nhanh chóng hơn.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM cho biết thêm, năm 2021, TPHCM ghi nhận 14.468 tin tố giác tội phạm, hơn 11.000 vụ án. Số lượng công việc rất lớn trong khi nhân sự làm công tác điều tra lại giảm. Một điều tra viên của TPHCM phải xử lý tin báo gấp 2,5 lần trung bình cả nước. Việc này dẫn đến quá tải, các sự việc chồng lấn lên nhau dẫn đến chậm trễ. Năm 2022, Công an TPHCM tập trung nâng cao chất lượng công tác điều tra, xây mới nhà tạm giữ tạm giam, đảm bảo việc tạm giữ tạm giam an toàn.
Là cơ quan thực hiện quyền công tố, Viện trưởng Viện KSND TPHCM Đỗ Mạnh Bổng nêu thực tế, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện có rất nhiều khó khăn vướng mắc. Hiện pháp luật tố tụng hình sự quy định chỉ kê biên tài sản tương ứng số tiền chiếm đoạt. Thực tế phải đến khi bản án tuyên mới biết chính xác số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu. Bên cạnh đó, luật quy định chỉ kê biên tài sản của bị can bị cáo. Thực tế cần tháo gỡ thu hồi sớm khi phát hiện dấu hiệu tài sản, chứ chỉ kê biên với bị can bị cáo là rất khó.
TAND TPHCM là đơn vị triển khai xét xử trực tuyến trong thời gian qua, tuy nhiên để mở rộng số vụ, lĩnh vực án xét xử trực tuyến, Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong cho biết, tới đây, TAND hai cấp sẽ xét xử trực tuyến các vụ việc như đưa người đi cai nghiện bắt buộc, từ đó đề nghị UBND TPHCM hỗ trợ thêm kinh phí. TAND tối cao có hỗ trợ cho TAND tỉnh và huyện các trang thiết bị tại phòng xử trực tuyến, còn ở các điểm cầu khác đề nghị TPHCM có hỗ trợ thêm.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu góp ý thêm, hiện nay xu hướng các vụ tranh chấp có yếu tố quốc tế ngày càng nhiều, nếu như không có luật sư công sẽ hết sức rắc rối khi phát sinh tranh chấp. Trước đây, khi TPHCM đưa vấn đề này ra thì có một số bộ ngành chưa thống nhất, trong khi nhu cầu luật sư công rất quan trọng trong tình hình hiện nay.
Cải cách tư pháp để phục vụ người dân TPHCM tốt hơn ảnh 4 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG 
Theo Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM, năm 2021, các cơ quan tư pháp 2 cấp của thành phố thường xuyên phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,… kịp thời đưa ra xét xử các vụ án, vụ việc được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, trong năm 2021, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố chỉ đạt 87,3%; kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp.
Cải cách tư pháp để phục vụ người dân TPHCM tốt hơn ảnh 5 Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG 
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM, ngoài nguyên nhân ảnh hưởng do dịch Covid-19, số lượng tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố tại TPHCM lớn, công tác giám định, định giá tài sản, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn chậm dẫn đến một số vụ việc kéo dài… Ngoài ra, trong công tác thi hành án dân sự, một số tài sản kê biên là vốn góp, cổ phần, cổ phiếu chưa niêm yết, tài sản dự án hình thành trong tương lai… đây là những tài sản chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức xử lý.

Năm 2021, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tiếp nhận trên 14.400 tố giác, tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố (tỷ lệ giải quyết 87,3%), thụ lý hơn 11.700 vụ với 9.820 bị can.

Viện KSND TPHCM thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra hơn 11.900 vụ với 11.085 bị can; chất lượng giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế các trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm. Viện KSND TPHCM tiếp tục triển khai đề tài thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn thành phố.

Năm 2021, TAND hai cấp của TPHCM giải quyết trên 26.400/51.000 vụ việc thụ lý (đạt 51,88%). Cục Thi hành án dân sự TPHCM thụ lý hơn 88.100 vụ việc (giảm 22,47% so với năm 2020) với tổng số tiền thu hồi là hơn 107 nghìn tỷ đồng.  

Tin cùng chuyên mục