Cải cách mạnh mẽ để tăng trưởng

Một trong những điểm được đề cập tới nhiều nhất là yêu cầu Bộ VH-TT-DL cải cách mạnh mẽ hơn vì người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Ngày 18-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Một trong những điểm được đề cập tới nhiều nhất là yêu cầu Bộ VH-TT-DL cải cách mạnh mẽ hơn vì người dân và doanh nghiệp.

Vẫn còn để xảy ra tình trạng tận thu

Bên cạnh việc biểu dương những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã nêu lên các nhóm vấn đề cần đầu tư tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Đầu tiên là vấn đề văn hóa. Thực tế vẫn còn tình trạng khai thác tận thu, ăn xổi, đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà bỏ qua những giá trị cốt lõi, tốt đẹp của văn hóa, lịch sử, gây phản ứng trong dư luận xã hội như: trùng tu, tôn tạo, bảo tồn không đúng nguyên mẫu, bóp méo lịch sử.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL cần quan tâm đến một số vấn đề khác của văn hóa như: gia đình văn hóa, bạo lực gia đình, văn hóa trong cơ quan, trường học, công sở, đường phố…

Thứ hai là điện ảnh. Ngành này đang phải đối mặt với khó khăn thách thức lớn, nhất là việc phim nước ngoài chiếm lĩnh thị trường nên cần có hành động cụ thể, kế hoạch, cơ chế để giành lại thị phần trong nước, tạo ra sự phát triển cho phim Việt Nam.

Thứ ba là nghệ thuật biểu diễn với cấp phép ca khúc, quản lý tổ chức biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh, tranh giả.

Thứ tư là vấn đề về du lịch, liên quan đến quản lý tour giá rẻ, 0 đồng; hướng dẫn viên du lịch chui...

Thứ năm là vấn đề thể dục thể thao, Thủ tướng quan tâm đến kiện toàn ban lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; phát hiện đào tạo vận động viên trẻ có năng khiếu cho thể thao thành tích cao…

Vấn đề cuối cùng cần phải quan tâm hơn nữa là công tác quản lý nhà nước về vấn đề quảng cáo bởi thời gian qua đã xuất hiện nhiều quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục, bạo lực, phóng đại quá mức, thậm chí quảng cáo sai sự thật…

Riêng về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuộc thẩm quyền của Bộ VH-TT-DL, cần sớm xây dựng các văn bản để cắt giảm vì trong năm 2018, Chính phủ yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục hành chính. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ VH-TT-DL cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh ở lĩnh vực karaoke, vũ trường, kinh doanh dịch vụ bảo tàng… với những điều kiện chưa rõ ràng, không hợp lý, không định lượng.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng dù Bộ VH-TT-DL có nỗ lực cải cách nhưng nhiều quy định vẫn thể hiện tư duy cũ, hạn chế sự sáng tạo và đề nghị bộ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý.

Cụ thể, thay vì tư duy “cho phép làm một số thứ” như hiện nay, nên quy định cụ thể những gì bị cấm, còn lại người dân và doanh nghiệp được tự do làm. Ông Cung cũng cho rằng Bộ VH-TT-DL đang ban hành rất nhiều thông tư can thiệp vào các hoạt động của người dân, doanh nghiệp như: tập yoga thế nào, dạy bóng đá ra sao…

Không để thông tư thành trói buộc, bóp méo điều kiện kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết “ngành du lịch đang phát triển chưa từng có” nhưng có nhiều vấn đề cần  xử lý. Dẫn chứng sự việc xảy ra vào tối 13-5, liên quan đến đoàn khách du lịch Trung Quốc mặc áo phông in bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp, sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị này đã tham mưu cho Bộ VH-TT-DL xử lý kịp thời.

Đề cập đến vấn đề tour 0 đồng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng khách du lịch vào Việt Nam ở khách sạn, ăn uống… đều phải trả tiền, đi chơi cũng phải trả vé cho di tích…

Theo ông Thiện, vì bán tour 0 đồng nên mới có chuyện các đơn vị tổ chức lữ hành đưa khách vào các cửa hàng bán giá rất cao để bù lại những gì đã bỏ ra. “Nhiệm vụ của ngành du lịch là đưa khách vào, quản lý họ, còn bán ở cửa hàng nào, mua ở đâu thì thuộc về quản lý thị trường. Họ trốn thuế thì thuế phải quản lý, họ chuyển tiền, đổi tiền thế nào thì ngân hàng phải làm”, ông Thiện phân tích.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tổ công tác tiếp thu các ý kiến, kiến nghị từ Bộ VH-TT-DL; tổng hợp các vấn đề, bất cập được nêu ra tại buổi kiểm tra, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng. Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch tổ chức thực hiện, khắc phục các vấn đề mà Thủ tướng đã gợi ý. Đặc biệt, về các điều kiện kinh doanh, đề nghị bộ tiếp tục rà soát kỹ hơn, những gì không lượng hóa được, còn chung chung, không rõ ràng thì dứt khoát cắt giảm, bãi bỏ; tránh để điều kiện kinh doanh trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thông tư, dứt khoát các điều kiện kinh doanh phải nằm trong nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

“Thông tư hướng dẫn nghị định chứ không thành trói buộc doanh nghiệp, bóp méo điều kiện kinh doanh hay bóp méo thủ tục hành chính. Cải cách mạnh mẽ hơn vì doanh nghiệp và người dân chính là dư địa cho tăng trưởng”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị tổ công tác tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn với bộ để cùng giải quyết các vấn đề phức tạp trong công tác quản lý nhà nước của ngành và những công việc có liên quan đến hoàn thiện văn bản pháp luật; xây dựng cơ chế, chính sách, xã hội hóa; kế hoạch tài chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch… để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục