Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Tại hội nghị sơ kết về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2017 diễn ra vào chiều 30-11, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ và Sở KH-ĐT khẩn trương tham mưu để UBND TP lập tổ công tác liên ngành đầu tư trên địa bàn TPHCM và đưa vào hoạt động trong năm 2018.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo
Đóng cửa trường mầm non hành hạ trẻ em
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bất ngờ yêu cầu lãnh đạo Sở GD-ĐT báo cáo về vụ việc đánh đập, hành hạ trẻ em xảy ra ở Lớp mẫu giáo Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12).
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng nạn đánh đập, hành hạ trẻ em từng xảy ra ở quận Thủ Đức và vài nơi khác trên địa bàn TPHCM. Liên quan đến việc này, Thành ủy, UBND TP đã có các chỉ thị và Sở GD-ĐT cũng thường xuyên có chỉ đạo, kể cả việc phối hợp các hội, đoàn kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, những sự việc đau lòng như thế vẫn xảy ra. “Về Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, quận 12 đã phối hợp với phường kiểm tra song không phát hiện được gì”, ông Lê Hồng Sơn giãi bày và nhận xét đây là sự việc đau lòng song kiểm soát lại rất khó khăn. Ngay cả trường hợp có nghi ngờ, tổ chức đoàn đến bấm chuông kiểm tra cũng không thể có chứng cứ xác định có chuyện hành hạ. 
Về giải pháp, ông Lê Hồng Sơn cho biết Sở GD-ĐT từng nghĩ đến việc lắp camera theo dõi, nhưng phương án này chưa thực hiện được. Nguyên do, Bộ GD-ĐT chưa có các hướng dẫn cụ thể, trong khi Sở GD-ĐT rà soát các quy định thì gặp vướng mắc, như quyền trẻ em chẳng hạn.
Tuy nhiên, trước sự việc này, thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu, Sở GD-ĐT đang phối hợp với Sở Tư pháp để rà soát pháp lý, yêu cầu các cơ sở mầm non gắn camera giám sát. Sở GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện tăng cường kiểm tra sâu sát hơn đối với tất cả các hoạt động nhóm lớp ngoài công lập; đồng thời đề nghị các hội đoàn vận động, kêu gọi người dân khu vực các trường mầm non hỗ trợ giám sát và trình báo khi phát hiện có nạn bạo hành xảy ra. “Đối với những trường hợp vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc, dứt khoát đóng cửa, không thể chấp nhận những người như vậy đứng lớp hay mở lớp tư thục dạy trẻ mầm non”, ông Lê Hồng Sơn khẳng định.
Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh
Về tình hình kinh tế, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh cho biết từ đầu năm đến nay, lĩnh vực dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển; kim ngạch xuất khẩu và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TPHCM. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 11 tháng ước đạt gần 837.400 tỷ đồng, tăng 11,51% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,02%); trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa chiếm 64,3%, tăng 11,76%. Về xuất khẩu, một số mặt hàng duy trì được mức tăng cao như cao su tăng 18%; rau quả tăng 22,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 25,3%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 55,1%...
Lãnh đạo Sở Công thương nhận định sự tăng trưởng mạnh của các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ và cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, hoạt động thương mại điện tử tăng rất cao khi tính đến cuối tháng 11-2017, toàn TPHCM có 127.000 website thương mại (năm 2016 có hơn 96.000, tăng hơn 30%). Trong cả nước, số lượng website thương mại điện tử của TPHCM chiếm hơn 80%. Qua tính toán từ đầu năm nay, mô hình này tăng trưởng 20%, ước đạt 53.700 tỷ đồng. Lãnh đạo Sở Công thương cũng nhận định phương thức mua bán như hiện nay sẽ thay đổi mạnh mẽ, dần chuyển qua thương mại điện tử. Do đó, nếu đầu tư tốt và có sự quản lý phù hợp thì hoạt động này sẽ có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của TPHCM.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm 2017 nên với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì đến cuối năm sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra (từ 8,4% - 8,7%). Lĩnh vực thu ngân sách cũng phải có nhiều cố gắng mới có thể đạt kế hoạch... Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết trong năm 2018 TPHCM sẽ tập trung triển khai đề án đô thị thông minh, trước hết sẽ tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành, trung tâm an ninh mạng, trung tâm mô phỏng dự án và một số dự án hợp phần.
Liên quan đến thủ tục cải cách hành chính, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ và Sở KH-ĐT phối hợp tham mưu để UBND TP lập tổ công tác liên ngành đầu tư trên địa bàn TPHCM nhằm tạo điều kiện, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho nhà đầu tư. Năm 2018, TPHCM sẽ chính thức đưa tổ này vào hoạt động. Hiện nay là khi nhà đầu tư nộp đơn đề nghị thực hiện dự án nào đó thì các sở ngành của TP “chỉ” nhà đầu tư qua chỗ này đến chỗ kia lòng vòng rất lâu và không biết hạn định cụ thể về thời hạn giải quyết. Do đó, TPHCM sẽ quy định rõ quy trình, thời hạn giải quyết hồ sơ của các nhà đầu tư nhằm tạo sự công khai, minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư.
            Khẩn trương triển khai cơ chế đặc thù phát triển TPHCM
Tại buổi họp báo định kỳ của UBND TPHCM diễn ra vào chiều 30-11, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết muốn quản lý về các mặt về kinh tế - xã hội, trật tự đô thị, môi trường... thì TPHCM không thể nào vận dụng theo các quy định về phí, lệ phí hiện nay được. Ngoài ra, với một đô thị đặc biệt có những vấn đề vi phạm pháp luật phát sinh mà chưa được quy định trong luật phí và lệ phí. Do đó, Quốc hội mới cho phép TPHCM được thí điểm cơ chế đặc thù, trong đó có quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Về tiến độ thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ông Hoan cho biết dự kiến tháng 6-2018, những việc thuộc thẩm quyền của TPHCM phải ban hành xong. Đến cuối năm 2018, những việc thuộc thẩm quyền Trung ương, TPHCM sẽ phối hợp để làm sao ra được các quyết định cụ thể. Bởi lẽ nếu năm 2018 TPHCM làm không xong thì 3 năm ta không có hiệu quả gì cả. Do đó, TPHCM phải làm quyết liệt, khẩn trương với tinh thần cao nhất để trong năm sau triển khai vào thực tế.

Tin cùng chuyên mục