Cải cách hành chính, giảm chi phí để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp… Đó là những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại nhiều phiên họp, hội nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để môi trường kinh doanh thuận lợi và năm 2017 trở thành năm giảm chi phí cho doanh nghiệp thì còn rất nhiều việc phải làm. TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhìn nhận:
Những điểm còn hạn chế của môi trường kinh doanh Việt Nam có thể nhìn nhận từ bản tổng hợp kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Việc hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực về: cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp… Tuy nhiên, công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã được thực hiện tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế; tình hình gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn trong hoạt động do liên quan đến chi phí như: chi phí logistics, chi phí vốn vay, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, chi phí không chính thức…
Cải cách hành chính, giảm chi phí để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ảnh 1 TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
 Phóng viên: Vậy theo ông, để cải thiện tình hình nêu trên cần các giải pháp gì?
 TS VŨ TIẾN LỘC: Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đầu tiên, tôi cho rằng cần bổ sung nhóm giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế vĩ mô. Trong đó, tập trung vào việc rà soát, loại bỏ các quy định cho phép các cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào các thị trường như: thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường công nghệ, thị trường công nghiệp. Cụ thể, đó là xem xét đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, theo hướng xác lập quyền tài sản của người dân đối với đất đai; bảo đảm việc chuyển đổi công năng sử dụng đất một cách nhanh chóng; hỗ trợ tích tụ đất đai với cơ chế giá do thị trường quyết định; không hành chính hóa các tổ chức kinh doanh như Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (hiện đang khoác cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trách nhiệm như một cấp quản lý hành chính đất đai trung gian mà đáng lẽ đó là việc của cơ quan quản lý nhà nước)... 
Bên cạnh đó là thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, mang tính chất đột phá để cải cách thủ tục hành chính cũng như trong việc tổ chức, triển khai, giám sát thực hiện mô hình một cửa, trung tâm hành chính công; cải tiến hình thức tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương; nghiên cứu thấu đáo và giải quyết triệt để các vướng mắc của doanh nghiệp một cách kịp thời, thỏa đáng, tránh tình trạng bao biện “giải thích” nhiều mà “không giải quyết”.
Tiếp đến là tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đề nghị các địa phương phải thực sự coi trọng và tiến hành có hiệu quả hoạt động khởi sự doanh nghiệp, đồng thời hạn chế những hoạt động có tính chất “phong trào”. Cần đa dạng hóa và sáng tạo trong phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; nhanh chóng quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp quy mô nhỏ tại các khu vực, địa phương…
Giải pháp tiếp theo là bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, đề nghị các bộ, ngành và cơ quan có liên quan cần tăng cường đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; tăng cường chất lượng và sự tham gia của cán bộ pháp chế các bộ ngành trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện cơ chế quản lý để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo công khai, minh bạch…
Song song với đó là giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Đề nghị  Quốc hội xem xét ra nghị quyết ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất, giảm chi phí lao động, nhất là đối với các ngành đang sử dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, da giày… Cuối cùng là tiếp tục rút ngắn thời gian, thủ tục phá sản doanh nghiệp; xây dựng các chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ…
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, theo ông, giải pháp cụ thể nào để hiện thực hóa điều này?
Nhằm hướng tới mục tiêu đất nước có 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, theo tôi, có hai việc cần làm ngay. 
Thứ nhất là có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Trước tiên là các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng. Bên cạnh đó là giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. 
Thứ hai là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần  2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của đội ngũ doanh nghiệp trong tương lai gần. Nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức doanh nghiệp thì mục tiêu có được 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp trước năm 2020 là trong tầm tay. Hơn thế, con đường chính thức hóa hoạt động kinh doanh lại là cứu cánh cho các hộ kinh doanh trước sức ép của hội nhập. Bởi chúng ta đều biết, nhỏ lẻ, “tiểu nông”, “tiểu công”, không minh bạch rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, rất khó tạo ra năng suất và hiệu suất cao và rất khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Chính sách hỗ trợ chuyển dịch hộ kinh doanh thành doanh nghiệp như một mũi tên có thể trúng cả hai đích.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, như ông đã nhiều lần nhấn mạnh, sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Rõ ràng, để doanh nghiệp trong nước phát triển, tăng năng lực cạnh tranh, mối liên kết này cần phải được tăng cường hơn, thưa ông?
Đúng vậy. Khối FDI đang ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Song dường như Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một thực trạng phải thừa nhận là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực được chào đón, được Chính phủ kỳ vọng. Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, nhưng rất chậm chạp. Từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu (chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam).
Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân hơn nữa, chúng tôi kiến nghị các giải pháp chính gồm: cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có giải pháp đột phá để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI (thông qua việc cung ứng dịch vụ tư vấn công nghệ, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao...); tăng cường kết nối về mặt địa lý giữa FDI với doanh nghiệp trong nước. Trong đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa quan trọng nhất thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI.
 Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục