Cải cách giáo dục: Bắt đầu từ thay đổi cách quản lý giáo viên

Theo TS Đặng Văn Vũ, cải cách giáo dục không đâu xa, phải bắt đầu thay đổi trong việc quản lý con người và bớt nhìn vấn đề ở mức hình thức, đối phó, phải đi vào thực chất dạy và học.
Giáo viên Trường THCS Lạc Hồng (quận 10 TPHCM) trong một giờ lên lớp Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giáo viên Trường THCS Lạc Hồng (quận 10 TPHCM) trong một giờ lên lớp Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đội ngũ nhà giáo là trái tim của một nền giáo dục. Nhưng lâu nay, người thầy bị gò bó vào cái khuôn với chính sách quản lý giáo viên chưa thật sự khoa học và nhân văn. Vì vậy, nhất thiết phải thay đổi cách quản lý giáo viên theo hướng đặt niềm tin vào người thầy, để họ phát huy ý thức tự giác cũng như tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của những người được gọi là “kỹ sư tâm hồn”.

Đừng quá nặng… hành chính!

Hàng chục năm qua, người thầy bị “gói” trong đống sổ sách như sổ dự giờ, sổ hội họp, sổ tích lũy chuyên môn, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ chủ nhiệm, sổ ghi đầu bài… Nhiều đến nỗi giáo viên hay đùa là phải có sổ ghi tên các loại sổ. Nhiều loại sổ có từ thời bao cấp, nhưng nó vẫn được nhiều địa phương duy trì đến tận hôm nay. Có thể nói đây là một cách quản lý hết sức lạc hậu và rất nặng nề, gây trở ngại hơn là thúc đẩy cho hoạt động chuyên môn, sáng tạo của giáo viên. Ví dụ như “Sổ kế hoạch giảng dạy”, kế hoạch thì đã có thời khóa biểu và lịch báo giảng rồi, sao cần thêm sổ này? Rồi “Sổ hội họp”, giáo viên đi họp, việc ghi nội dung cuộc họp vô sổ là việc của mỗi người, vấn đề cần kiểm soát là giáo viên có thực hiện đầy đủ nội dung cuộc họp hay không. Ép buộc việc ghi chép là điều không cần thiết, vì mỗi người có một cách ghi nhận riêng. Do vậy, ngành giáo dục cần dựa vào hiệu quả giảng dạy để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chứ không nên dựa vào sự đầy đủ, sạch sẽ của hồ sơ sổ sách.

Giáo án cũng là một quy định bắt buộc rất nặng nề đối với giáo viên. Yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án trước một tuần, bài soạn phải được hiệu trưởng (hoặc người ủy quyền) duyệt kiểm tra trước khi lên lớp 3 ngày. Thiết kế bài giảng phải theo mẫu quy định. Bài soạn phải ghi rõ ngày soạn, ngày dạy, tiết theo phân phối chương trình và lớp dạy. Đó là chưa kể, nhiều trường còn quy định lạc hậu là không cho giáo viên soạn giáo án điện tử, vì sợ sao chép lẫn nhau. Đối với giáo viên nhiều kinh nghiệm, việc buộc phải có giáo án là không cần thiết. Chúng ta đều biết, một giáo viên dạy giỏi và hay - họ không bao giờ phụ thuộc vào giáo án. Vừa nhìn giáo án, vừa giảng bài - chỉ có giáo viên tập sự. Chỉ khi nào người dạy thoát giáo án thì bài giảng mới thăng hoa, nhất là các môn thuộc khoa học xã hội. Do vậy, cần loại bỏ quy định vô lý trên ra khỏi hoạt động chuyên môn. Khi đánh giá hiệu quả giảng dạy, hãy lên lớp dự giờ, hãy tìm hiểu nhận xét của học sinh, hãy tham khảo phản ứng từ dư luận xã hội (phụ huynh). Bởi vì một giáo viên có thể soạn giáo án rất tốt nhưng lại dạy chẳng hay, học sinh chán học, thì cũng không hiệu quả thực sự. 

Thanh tra dự giờ cũng là nỗi khiếp đảm của giáo viên hiện nay. Rất nhiều thanh tra tỏ vẻ “quan thanh tra” nên nhận xét theo kiểu kẻ cả, áp đặt, nhận xét thiếu căn cứ, chê bai đủ thứ, không mang ý nghĩa góp ý, động viên mà mang tính quy chụp, quyền hành hơn. Bởi vậy, rất cần thiết phải chấn chỉnh lại công tác thanh tra chuyên môn trường học. 

Cần giảm hội họp

Nếu xác định hoạt động giảng dạy mang tính sáng tạo, kích thích học sinh sáng tạo, thì cần giảm bớt hội họp cho giáo viên. Một giáo viên (không phải lãnh đạo) nhưng vẫn “gánh” quá nhiều cuộc họp. Đầu tuần họp giao ban, giữa tuần họp hội đồng sư phạm, cuối tuần họp tổ chuyên môn, họp nhận xét giờ dạy, họp chi bộ, họp công đoàn, họp liên tịch… Có những cuộc họp tốn công sức, dù chỉ cần cái email hoặc vài dòng thông báo cũng có thể chuyển tải được. Trong khi đó, không ít trường đã “tinh giản” được việc họp, mỗi giáo viên chỉ họp 1 lần/tháng nhưng hoạt động của trường vẫn rất tốt. Thiết nghĩ, cấp sở hay cấp phòng cần chú ý theo dõi để chấn chỉnh vấn đề họp hành ở các trường phổ thông. Không thể để các trường bắt giáo viên họp hành triền miên, gây mệt mỏi, mất thời gian đầu tư bài giảng. Chưa kể, các kỳ nghỉ hè, lễ tết học sinh nghỉ vẫn bắt giáo viên đi trực cơ quan, một việc làm hoàn toàn không có trong chức năng nhà giáo - đó là việc làm của bảo vệ.

Cuối cùng là việc xếp hạng thi đua cuối năm cần phải được cải cách, đi vào thực chất. Thứ nhất, lâu nay giáo viên dù có làm tốt đến đâu cũng khó có được danh hiệu cao nhất, bởi nghiễm nhiên nó thuộc về lãnh đạo, như là một luật bất thành văn. Thứ hai, việc lấy điểm số của học sinh để xếp thi đua giáo viên là rất không nên. Ví dụ, môn học của giáo viên nào có tỷ lệ điểm học kỳ dưới trung bình nhiều thì xếp hạng thi đua giáo viên đó thấp. Để đối phó, giáo viên phải nâng điểm. Thế là toàn điểm ảo. Điều đó dẫn đến tình trạng “ngồi nhầm lớp”. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các cấp hiện nay đều rất cao, nhưng nó lại tỷ lệ nghịch với chất lượng giáo dục.

Do vậy, theo tôi, cải cách giáo dục không đâu xa, phải bắt đầu thay đổi trong việc quản lý con người và bớt nhìn vấn đề ở mức hình thức, đối phó, phải đi vào thực chất dạy và học. Các nhà lãnh đạo giáo dục đừng xem giáo viên như giáo viên xem học sinh mà quản lý như quản lý học sinh. Cần phải phát huy ý thức tự giác của giáo viên và quan trọng là hãy đặt niềm tin vào họ. Hãy khơi dậy lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm của người thầy. Có như thế, người thầy mới phát huy một cách tốt nhất năng lực cũng như khát khao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, góp phần đưa nền giáo dục phát triển.

Tin cùng chuyên mục