CAFI - Nơi lưu ký ức

CAFI (Centre d’Acceuil des Français d’Indochine) là những trung tâm nằm ở các tỉnh như Noyan d’Allier, Bias, Saint-Livrade-sur-Lot… của Pháp, những vùng dân thưa, đất rộng, có thế mạnh về nông nghiệp. Thuở ban đầu, đây là nơi trú chân cho các kiều dân Đông Dương thời Pháp thuộc rời Việt Nam năm 1956. Họ ở đó trong lúc chờ đợi Chính phủ Pháp tìm ra một giải pháp thỏa đáng.
Tác giả và chủ siêu thị Sai Gon - L’Asie à votre porte Damien trong khu di tích lịch sử của làng CAFI
Tác giả và chủ siêu thị Sai Gon - L’Asie à votre porte Damien trong khu di tích lịch sử của làng CAFI

CAFI ngày nay

CAFI trong quá khứ là những trung tâm được trưng dụng lại từ những trại lính cũ, hoặc những khu nhà ở tạm bợ được xây dựng cho công nhân các nhà máy chế tạo vũ khí, đạn dược trong Thế chiến thứ II.

Tôi đến Saint-Livrade-sur-Lot vào tháng 8 để tham dự lễ hội tổ chức tại làng. Khi đến nơi, tôi nhìn thấy 2 siêu thị khang trang nằm ngay sau cổng chào “Le Petit Dragon - Chez Gontran” (Con rồng nhỏ - Nhà Gontran) và “Sai Gon - L’Asie à votre porte” (Sài Gòn - Châu Á ngay cửa nhà bạn). Siêu thị nhỏ nhưng tương đối đủ đồ.

Em chủ siêu thị Sai Gon - L’Asie à votre porte còn rất trẻ, niềm nở chào tôi bằng tiếng Pháp. Em tên Damien (tên tiếng Việt là Dương), thuộc thế hệ thứ tư ở làng, sinh ra tại Pháp, không biết nói tiếng Việt và chưa từng về Việt Nam. Học xong cử nhân, em về tiếp quản lại cái siêu thị - nhà hàng của gia đình, vì ba mẹ đã lớn tuổi. Hơn nữa, để tìm việc được đúng ngành, cũng giống như các thế hệ trước, em phải đi đến các tỉnh khác lớn hơn. Em nói, những năm gần đây, một số người lớn tuổi của làng CAFI đã có điều kiện để về Việt Nam. Họ kể chuyến đi của họ một cách hào hứng và bảo sẽ quay lại. Họ khuyên các thế hệ trẻ nếu có dịp hãy đến Việt Nam. Damien kể, một người em họ của em đã về ở hẳn Việt Nam và sống bằng nghề cầu thủ.

Tôi chậm rãi đi qua từng con đường nhỏ, ngắm nghía từng khu phố: Résidence Cochinchine, Résidences Les Bambous, Résidences Annam, Delta du Sud, et Tonkin. Các ngôi nhà nhìn bên ngoài xinh xắn và còn rất mới. Chúng được khởi công xây dựng vào năm 2008, sau vụ hỏa hoạn năm 2006, và hoàn tất vào năm 2014. Phần lớn làng CAFI bị phá bỏ, người ta chỉ giữ lại chùa, nhà nguyện, khu tưởng niệm, 4/36 dãy nhà và một phần không gian xanh. Chính quyền địa phương dành quyền ưu tiên cho những người dân sống ở CAFI được thuê nhà, phần còn lại dành cho những người có thu nhập thấp.

Ngay sau khu trung tâm làng CAFI là một ngôi chùa nhỏ. Trước cổng chùa và trước phòng trưng bày có các tấm băng rôn của 2 tổ chức xã hội “Collectif des Eurasiens pour la Préservation du CAFI” (CEP - CAFI) và “Assocation des Amis et Résidents du CAFI” (ARAC) chủ trì cho việc tổ chức các lễ hội và bảo tồn CAFI.

Việt Nam trong tim

Tổ chức ARAC được thành lập vào khoảng năm 1999, nhằm thiết lập một môi trường văn hóa, thể thao cho giới trẻ, trợ giúp những người già trong làng; tổ chức các hoạt động văn hóa để làng CAFI được biết đến như là một làng Việt Nam thu nhỏ.

Những thành viên của tổ chức, như chị Claudine, hiện là một y tá của xã bên cạnh, thường xuyên thu xếp để đến thăm những người lớn tuổi, giúp họ đi chợ, đưa đi khám bệnh. Hiện nay, số lượng kiều dân còn lại ở làng chỉ còn khoảng 40-50 người, chủ yếu là người già. Rất nhiều người dân CAFI đã rời làng và lập nghiệp ở các xã lân cận hoặc ở các thành phố lớn. Họ làm các ngành nghề khác nhau như cảnh sát, giảng viên, nhân viên văn phòng, chủ tiệm… và được xếp vào tầng lớp trung lưu của xã hội.

Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam, ARAC tổ chức các hoạt động ẩm thực, văn hóa Việt Nam ở các trường học; đoàn múa lân cũng được biểu diễn trước ủy ban và trên một số tuyến đường chính của xã. Vào tháng 8, ARAC tổ chức lễ khi “những đứa con” của làng quay trở về thăm ông bà, bố mẹ và để nghỉ ngơi. Lễ hội tháng 8 thường kéo dài 2-3 ngày và được xem như là một sự kiện nổi bật của xã. Ủy ban và các cơ quan du lịch quảng bá cho sự kiện này trên các kênh tin tức chính thống. Ủy ban hỗ trợ các trang thiết bị, máy móc để làng thực hiện các chương trình ẩm thực, các trò chơi truyền thống như thả diều, đá cầu, võ thuật, trình diễn áo dài và múa lân.

Tổ chức CEP được thành lập vào khoảng năm 2005 nhằm mục đích yêu cầu Chính phủ Pháp ghi công đối với kiều dân Đông Dương và bảo tồn CAFI như là một di sản văn hóa. Vào giai đoạn tái xây dựng lại CAFI, tổ chức này đã kiên quyết đấu tranh với chính quyền địa phương để được góp ý kiến vào các dự án khác nhau liên quan đến CAFI. Họ đã tập hợp, thống kê và xây dựng nên một hệ thống dữ liệu lịch sử làng CAFI. Trong dịp lễ tháng 8, họ đảm nhận vai trò tổ chức các hoạt động như: thảo luận bàn tròn giữa các nhà nghiên cứu, trình chiếu phim, triển lãm hình ảnh. Năm nay, phòng trưng bày triển lãm hình chụp của Albert Vandjour (một kiều dân CAFI) với chủ đề Ngay cả vô hình (Voire l’Invisible).

Ngoài việc sử dụng làng CAFI để tổ chức các buổi lễ tưởng niệm, ủy ban và phòng du lịch xã còn đưa làng CAFI vào danh sách một trong những điểm tham quan du lịch hè. Các chuyến viếng thăm của du khách thường kết thúc bằng một bữa ăn Việt Nam. Các khóa học vài giờ để làm nem, gỏi cuốn… cũng được nhiều người dân địa phương ủng hộ.

Các kênh truyền hình Pháp cũng thực hiện nhiều phóng sự về làng. Không chỉ những phóng sự mang tính lịch sử, mà còn có phóng sự văn hóa, ẩm thực như cuộc sống ở làng trong đại dịch Covid-19 phát hành trên kênh Sud-Ouest vào năm 2020, hoặc Bánh cuốn cho ngày Tết Việt Nam của kênh France 3 vào năm 2021. Trong phóng sự gần nhất này, Chủ tịch Hiệp hội ARAC Patrick Fernand đã chia sẻ công thức pha bột của mẹ ông...

Tôi nghỉ chân trên một ghế đá nhỏ dưới gốc cây mận. Đằng sau tấm bia tưởng niệm, trước hiên một căn nhà nhỏ, một nhóm người đang rì rầm trò chuyện. Tôi đến chào, ai cũng đáp lại lời chào của tôi bằng tiếng Việt, tôi nghe có đủ giọng Bắc, Trung, Nam. Chúng tôi tếu táo vài câu tiếng Việt, rồi lại chuyện trò bằng tiếng Pháp. Các anh bảo, tiếng Việt của các anh chỉ đủ để nói vài câu bông đùa. Các anh thuộc thế hệ thứ ba ở làng. Tôi nhận ra rằng, ở đây, khi bắt đầu giới thiệu về mình, người ta hay xác định mình ở thế hệ nào, kiểu như đã có sẵn một hệ thống gia phả trong họ.

Khách đến tham dự lễ hội mỗi lúc một đông, ước chừng khoảng 300 người, mà gần phân nửa là khách thuần Pháp. Họ kể rằng, họ sống ở những xã kề bên, đã từng học, từng chơi với “những đứa con” của làng Việt Nam. Họ thích các món ăn của Việt Nam, thích tính mến khách của người sống ở làng, thích không khí lễ hội được tổ chức ở đây nên hầu như hàng năm họ đều đến.

Tôi lững thững đi vào khu vực được giữ lại làm di tích lịch sử của làng. Những ngôi nhà đã bị niêm phong, những tấm chắn trước cửa sổ lỏng lẻo dính tạm vào khung cửa. Trong ánh hoàng hôn còn sót lại cuối ngày, không còn ai ở đó, nhưng tôi vẫn nhìn ra những cành gai trĩu nặng hoa hồng và nhìn ra lịch sử.

Tin cùng chuyên mục