Cách làm hay vì cộng đồng

Bằng những việc làm thiết thực, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn TPHCM đã có các chương trình chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động, người nghèo lúc khó khăn. Nhiều chương trình đã nhân rộng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đậm tính nhân văn của người dân thành phố mang tên Bác hào hiệp, nghĩa tình.
Thượng tọa Thích Huệ Công (bìa trái) trao quà động viên người nghèo và kêu gọi người dân tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Thượng tọa Thích Huệ Công (bìa trái) trao quà động viên người nghèo và kêu gọi người dân tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Đậm đà truyền thống tương thân tương ái

“Bác làm xong nhớ mang lại sớm, đặng nhà nào ruộng khô thì họ qua lấy về xới đất cho kịp mùa vụ. Ruộng nhà tui còn ướt, chừng nửa tháng nữa mới cần đến máy xới”, ông Nguyễn Văn Trung (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) không quên dặn dò khi giao chiếc máy xới đất cho người hàng xóm mượn. Với ông Trung, chiếc máy xới là cả một gia tài. Hơn 3 năm trước, ông nhận được món quà này từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân TPHCM. Nhờ đó, vào mùa vụ, việc đồng áng với ông cũng nhẹ nhàng hơn, cuộc sống ngày càng ổn định. Ông Trung không chỉ sử dụng món quà ấy cho riêng mình, mà trong xóm, bất kỳ nhà nào cũng có thể mượn chiếc máy xới để phục vụ việc đồng áng của gia đình.

Ông Trung là một trong hơn 570 gia đình nông dân nghèo được Hội Nông dân TPHCM trao tặng công cụ sản xuất. Để tạo nguồn chi phí chăm lo nông dân khó khăn, Tết năm 2008, Hội Nông dân phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình “Cây mai mùa xuân” bán đấu giá mai, chăm lo cho nông dân. Từ thành công này, những năm tiếp theo Hội Nông dân TPHCM tiếp tục tổ chức chương trình “Tết làm điều hay” hay “Tết nghĩa tình” (năm 2020). 

Qua 13 lần thực hiện, chương trình đã vận động trên 112 tỷ đồng. Hội Nông dân TPHCM đã xây dựng 1.022 căn nhà tình thương, sửa chữa 235 căn nhà tình thương, tình nghĩa cho hội viên nông dân nghèo. Chương trình cũng thăm hỏi và trao 17.266 phần quà tết, tặng 2.233 bồn nước cho nông dân; tặng 20.894 thẻ bảo hiểm y tế, 574 công cụ sản xuất cho hộ nghèo thiếu phương tiện sản xuất. Đồng thời, chương trình còn trao 8.048 suất học bổng Lương Định Của cho học sinh, sinh viên nghèo, cận nghèo có thành tích học tập xuất sắc.

Theo bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, với mục đích gây quỹ chăm lo hội viên nông dân khó khăn, chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, kết nối được nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia. Từ sự hỗ trợ này, nhiều hội viên đã thoát nghèo, đời sống khá lên và tạo được mối đoàn kết gắn bó cùng nhau.

Cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo, từ năm 2016, dãy nhà trọ 33 phòng tại số 13/12 Đường số 4, khu phố 3, phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng Yến vẫn giữ nguyên mức giá. Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến người lao động, bà Yến còn giảm 300.000 đồng/tháng/phòng cho người thuê trọ. Bà Yến tâm sự, bản thân bà trước đây từ quê vào TPHCM lập nghiệp, từng có nhiều năm đi thuê trọ, bà Yến thấu hiểu khó khăn trăm bề của những người xa quê. Vì vậy, khi được cán bộ Ủy ban MTTQ quận Thủ Đức tiếp xúc, vận động không tăng giá phòng nhằm chia sẻ với người lao động, bà ủng hộ ngay lập tức.

Trên địa bàn quận Thủ Đức hiện có hơn 6.000 hộ có phòng cho thuê, bình quân mỗi năm có khoảng 121.200 người là lao động nghèo, sinh viên thuê trọ. Bà Nguyễn Thị Thanh Luận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Thủ Đức, cho biết, để chia sẻ khó khăn với người lao động và sinh viên, năm 2010, quận vận động các hộ có nhà trọ không tăng giá phòng và thu tiền điện, nước đúng giá quy định. Sau này, quận Thủ Đức triển khai thành mô hình “Vận động giảm giá, không tăng giá cho thuê phòng trọ” và nhận được sự hưởng ứng của các chủ hộ có phòng cho thuê trên toàn quận.

Qua 10 năm thực hiện, đến nay, hơn 90% hộ dân có phòng cho thuê cam kết giảm hoặc không tăng giá cho thuê, bình quân tiết kiệm trên 8,8 tỷ đồng/năm tiền thuê trọ. Kết quả của chương trình đã góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư, phát huy truyền thống tương thân tương ái của người dân TPHCM nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Từ ý nghĩa tích cực ấy, mô hình “Vận động giảm giá, không tăng giá cho thuê phòng trọ” đã lan tỏa ra nhiều quận huyện khác của TPHCM và một số tỉnh, thành cả nước.

Điểm tựa của bệnh nhân nghèo

Ngồi trên chiếc xe lăn, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) hướng thẳng đến Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Hy Vọng (Phòng khám Hy Vọng) tại số 86 đường 64, ấp Giồng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Bà Tươi bị ung thư, những ngày không phải điều trị ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, khỏe một chút thì bà đi bán vé số. Cách ngày bà Tươi lại ghé Phòng khám Hy Vọng để các bác sĩ theo dõi, thăm khám một lần. Bà Tươi cho biết, bà cầm cự được đến lúc này cũng nhờ sơ Trần Thị Lý và các sơ ở Phòng khám Hy Vọng giúp đỡ. “Ngoài điều trị miễn phí tại phòng khám, các sơ còn hỗ trợ một phần tiền để tôi điều trị tại bệnh viện. Chiếc xe lăn hơn 10 triệu đồng và học bổng hàng năm của con gái tôi cũng do các sơ tặng. Ân nghĩa của sơ Trần Thị Lý và các sơ ở phòng khám Hy Vọng với người bệnh chúng tôi thật lớn, ở vùng này ai cũng trân trọng”, bà Tươi bày tỏ.

Nữ tu Trần Thị Lý là Trưởng Phòng khám Hy Vọng, hoạt động từ năm 2015, mỗi ngày tiếp nhận 100 - 150 lượt bệnh nhân. Đến nay, phòng khám đã điều trị miễn phí cho trên 3.000 bệnh nhân và thăm khám cho hơn 100.000 lượt người bệnh. Bệnh nhân hầu hết là người địa phương và các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương, Long An. Không chỉ khám, điều trị miễn phí, nữ tu Trần Thị Lý còn hỗ trợ thủ tục chuyển bệnh nhân nặng lên bệnh viện tuyến trên và trích quỹ để giúp họ một phần viện phí. 

“Những người bệnh tới đây phần lớn là người nghèo. Ngoài điều trị miễn phí, chúng tôi còn tính đến việc giúp họ có cuộc sống ổn định hơn bằng cách hỗ trợ vốn để họ trang bị sinh kế”, nữ tu Trần Thị Lý tâm sự. Nhờ đó, ông Hồ Thanh Thu (xã Tân Phú Trung) có vốn mở quầy bán kem, có đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống và điều trị bệnh ung thư gan. Không những vậy, các sơ còn chia sẻ với nhiều trường hợp khó khăn khác, như cho bà Nguyễn Thị Lê (xã Tân Phú Trung) vay 10 triệu đồng để gầy lại đàn heo của gia đình đã bị mất trắng trong vụ cháy mới đây.

Những năm qua, với tinh thần hướng đến những điều tốt đẹp, nữ tu Trần Thị Lý động viên các nữ tu trong Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ chăm sóc, giúp đỡ người bệnh, người yếu thế. Các nữ tu nhiệt tình tổ chức, tham gia nhiều hoạt động như chăm sóc người bệnh phong, bệnh nhân HIV tại Bệnh viện Nhân Ái, trẻ em khiếm thị…

Ngoài ra, nữ tu Trần Thị Lý cũng vận động thành lập nhiều trung tâm, nhà lưu trú và trường học cho trẻ em, hoàn toàn miễn phí. Trong đó có nhà nội trú cho trẻ khiếm thị tại quận Bình Tân, nhà lưu trú sinh viên tại quận Bình Thạnh. Ở các địa phương, các nữ tu cũng vận động xây dựng nhà lưu trú cho học sinh tại tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng; mở 4 trường mầm non ở TP Đà Lạt, Cà Mau, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, trung bình mỗi trường tiếp nhận 400 em. Những đóng góp, việc làm của nữ tu Trần Thị Lý thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của TPHCM và nhiều tỉnh thành, góp phần tích cực vào việc xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Định kỳ vào ngày 19 âm lịch hàng tháng, các Phật tử và người dân đều đặn thả từ 500 - 1.000 kg cá xuống kênh Đôi và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, đoạn qua quận 8. Hoạt động này xuất phát từ việc Thượng tọa Thích Huệ Công, Trưởng ban Đại diện Phật giáo người Hoa TPHCM, quyền Trưởng ban Trị sự Phật giáo quận 8, Trụ trì chùa Long Hoa (phường 15, quận 8) thực hiện. Từ năm 2010, Thượng tọa Thích Huệ Công đã vận động Phật tử cùng với chùa thả cá xuống kênh nhằm cải thiện môi trường sinh thái. Cùng với đó là việc phát loa tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, không xả rác xuống kênh, rạch. Từ kết quả tích cực ấy, năm 2015, Thượng tọa Thích Huệ Công tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ quận 8 thực hiện mô hình “Ngày hội vì dòng kênh xanh”.

Đến nay, mô hình đã thu hút nhiều Phật tử, người dân quận 8 cùng tham gia thả cá xuống kênh, chung tay bảo vệ môi trường bằng các hoạt động thiết thực như vớt rác, chốt chặn để ngăn các hành vi xả rác xuống kênh.

Tin cùng chuyên mục