Cách đào tạo nguồn nhân lực hiện tại không hữu dụng trước CPTPP

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Với 11 nước thành viên sáng lập, đã tạo nên một thị trường kinh tế tự do với khoảng 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.
Đào tạo kỹ thuật viên thao tác trên robot tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. ẢNH: HOÀI NAM
Đào tạo kỹ thuật viên thao tác trên robot tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. ẢNH: HOÀI NAM

55% doanh nghiệp (DN) khó tìm nguồn lao động phù hợp

Tham gia vào sân chơi này, đối với Việt Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức. TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ băn khoăn: Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của các DN. Trong khi đó, năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực và trình độ quản trị DN thấp nhất Đông Nam Á.

Theo Tổng cục Thống kê, cuộc điều tra về lao động việc làm mới nhất (quý 2-2018) cho thấy: Việt Nam có 55,1 triệu lao động trong độ tuổi, trong đó có khoảng 43 triệu người là lao động phổ thông, tức chưa qua lớp đào tạo nghề nào, kể cả nghề ngắn hạn 3 tháng. TS Nguyễn Văn Thuật và nhóm nghiên cứu của ông (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội của 

Việt Nam và được cho là không dễ khai thông “một sớm một chiều”. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) công bố: 55% DN khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của công ty. 

Cũng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam: Công nghệ mới sẽ dẫn đến việc tái cấu trúc sâu sắc bản chất của việc làm, về cả số lượng và chất lượng, trong các ngành sản xuất và dịch vụ. ILO ước tính 86% lao động trong ngành dệt may - da giày của Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ cao bị thất nghiệp, do tự động hóa trong tương lai.

Cùng quan điểm chung về các yếu kém và dễ tổn thương trên của nguồn nhân lực, TS Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH), cho rằng khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn.

Lực lượng lao động mong manh dễ vỡ trước robot

Cuộc cách mạng công nghiệp toàn cầu đang diễn ra, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước khi tham gia hiệp định CPTPP buộc Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bộ LĐTB-XH phải thay đổi tư duy cũng như phương thức  đào tạo nguồn nhân lực. 

 Năm học 2019-2020 tới, chương trình phổ thông mới theo 2 xu hướng “Tự do - Sáng tạo” và “Phẩm chất - Năng lực” sẽ được Bộ GD-ĐT triển khai. Trong lúc đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh, đã lên tiếng thừa nhận: “Học sinh, sinh viên với các kiến thức, kỹ năng đang được dạy trong nhà trường hiện nay, còn chưa đáp ứng được nền kinh tế 3.0 hiện tại. Và có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 hoặc đang dễ dàng bị robot thay thế trong tương lai gần”. Nhìn thấy vấn đề, tổng cục này đã đưa ra một đề án cải tổ lại hệ thống dạy nghề, trong đó nhấn mạnh đến việc chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN là yêu cầu được đặt ra; đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia sẻ các nguồn lực chung. 

Hiện nay VCCI kết nối cùng Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH kêu gọi các DN hợp tác trong việc cải cách hệ thống giáo dục, theo 6 hướng đồng hành, hợp tác. Một là, DN dự báo nhu cầu và đặt hàng với đào tạo. Hai là, DN tham gia xây dựng giáo trình. Ba là, DN tham gia giảng dạy. Bốn là, DN là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo. Năm là, DN cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục - đào tạo. Sáu là, DN là nơi tiếp nhận và sử dụng lao động. Bộ LĐTB-XH đã có chương trình thí điểm với mục tiêu 100.000 lao động sẽ được đào tạo theo phương thức này.

Với sự giúp sức của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới WB và ILO, các dự án cải tổ giáo dục - đào tạo chuyên nghiệp Việt Nam đang có xu hướng đổi mới tiệm cận với quốc tế. Song cũng phải thấy, một nhược điểm rất lớn của giáo dục suốt mấy chục năm qua thường nằm ở khâu triển khai, hành động thực tiễn. Chính năng lực triển khai sẽ quyết định thành - bại của mọi cuộc cách mạng trong giáo dục.

° CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.

° Mặc dù tất cả các nhóm thu nhập đều được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được nhiều sẽ rơi vào tốp 60% của nhóm có thu nhập cao nhất (nhận định của WB).

“Không thể lảng tránh chính sách an sinh xã hội”


Người lao động nghèo và trình độ thấp, đó là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chuyển đổi nền sản xuất công nghiệp mới. Mới đây, phát biểu tại diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS-TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng: Việt Nam không thể lãng tránh thách thức của các chính sách an sinh xã hội, mà cần đối mặt và vượt qua. Phải coi đây là cơ hội để hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ngày một rõ ràng hơn. Còn theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Chính phủ phải là kiến trúc sư cho các ngành công nghiệp mới, cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực, như vậy Việt Nam mới không tụt lại phía sau.

Thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng. Điều đó đòi hỏi pháp luật, thể chế lao động cũng cần phải được cập nhật đồng thời với việc xây dựng ngay chính sách tích cực, bảo trợ xã hội cho người lao động yếu thế trong quá trình nâng cao năng lực, đủ sức chuyển đổi nghề. 

Lần sửa đổi Bộ luật Lao động sắp tới - trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và Hiệp định CPTPP - cần giải quyết những thách thức này, để đảm bảo rằng tự do thương mại sẽ đóng góp vào phát triển bền vững, đồng thời giúp người lao động và DN cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.

Tin cùng chuyên mục