Các xu hướng phát triển đô thị

Các đô thị có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Trong đó, xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Phát triển mảng xanh trong một dự án tại TPHCM. Ảnh: HUY PHAN
Phát triển mảng xanh trong một dự án tại TPHCM. Ảnh: HUY PHAN

Kinh nghiệm của các nước

Nhật Bản chọn lối tiếp cận “từng phần”, đề cao sự cân bằng tự nhiên và không quá lệ thuộc công nghệ, bắt đầu từ việc phân bổ sử dụng đất hợp lý. Cụ thể, với giải pháp “Đô thị Amip” của Nhật Bản, các đô thị không bị lệ thuộc vào các hình mẫu hay quy tắc giống nhau mà uốn theo tự nhiên. Không cần dành quá nhiều diện tích đất cho quảng trường hay các trục đại lộ, nhưng mỗi ngôi nhà đều có quy định về khoảng không gian trống, sân vườn. Chính vì vậy, sự cân bằng môi trường đô thị đạt được nhờ sự cân bằng giữa tự nhiên - nhân tạo trong từng ngôi nhà, từng khu phố. Các con sông tự nhiên được nghiên cứu kỹ về việc nơi nào để tự nhiên, nơi nào làm kè. Các khu công cộng được bố trí rải rác thay vì tập trung. Xét về cảnh quan thì có thể không ngăn nắp, tráng lệ như đô thị phương Tây nhưng các vấn đề môi trường sống đô thị hầu như được giải quyết triệt để từ những điều nhỏ nhất. Đô thị giống như những “Amip” có khả năng tự nhân rộng, sao chép.

Còn giải pháp “Đô thị xanh” Vancouver - Canada thì tập trung vào mảng con người thông minh và các hạng mục sống thông minh (đô thị thông minh). Có 48% người Vancouver thực sự không sinh ở Canada. Nền văn hóa đa dạng giúp mang lại nhiều sáng tạo hơn. Người dân thành phố Vancouver cũng có tuổi thọ cao nhất (khoảng 84 tuổi) so với công dân của các thành phố thông minh khác. Vancouver đã tham gia vào nhiều chương trình nhằm phát triển chiến lược dài hạn trở thành thành phố xanh nhất trên thế giới vào năm 2020. Điều này sẽ giúp 97% năng lượng tại Vancouver đến từ các nguồn năng lượng tái chế (hầu hết là hydro). Vancouver cũng là thành phố tiên phong cung cấp phát kiến cho các tòa nhà xanh, giúp thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái xanh, từ kiến trúc đến kỹ thuật và các sản phẩm khác của tòa nhà.

Brazil thì đưa ra giải pháp “Đô thị thông minh” với thành phố Rio de Janeiro nhằm giải quyết sức ép cho các đô thị phát triển và phòng chống thiên tai. Năm 2010, thành phố Rio de Janeiro bị một trận lụt lớn làm chết hơn 100 người. Ngay sau đó, chính quyền thành phố này đã yêu cầu IBM thiết lập một hệ thống dự báo các vấn đề có liên quan đến an toàn cho thành phố. Năm 2010, Trung tâm hành động của thành phố này đã được thành lập. Dữ liệu từ hơn 30 cơ quan có liên quan được tập hợp và xử lý bởi các thuật toán cho phép thiết lập được sự liên quan giữa yếu tố khí hâu và vị trí địa lý của Rio. Họ chỉ tập trung vào theo dõi các hoạt động trong thành phố thông qua 900 camera và thông tin thời tiết để phản ứng kịp thời trước các rủi ro về giao thông, môi trường, ngập lụt. Thành phố cũng thiết lập một hệ thống còi báo động, dựa trên thông tin thu thập từ phân tích lượng mưa tại các điểm của thành phố, để đưa ra những cảnh báo kịp thời.

Giải pháp đô thị sáng tạo tại Việt Nam

Từ những kinh nghiệm phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh của các nước, các chuyên gia trong ngành cho biết, Việt Nam là một quốc gia châu Á đang phát triển. Nếu so sánh với các đô thị phát triển khác của thế giới thì chúng ta còn khá lạc hậu về công nghệ và hạn chế về nguồn kinh phí để có thể mua các công nghệ hiện đại từ nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn có thể áp dụng các giải pháp sáng tạo ít tốn kém và không cần sử dụng công nghệ hiện đại, như trường hợp của các đô thị Nhật Bản.

Theo ý kiến của các kiến trúc sư tại TPHCM, đô thị Việt Nam, trừ một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, có một phần ảnh hưởng lối quy hoạch tổng thể của phương Tây, còn lại cũng theo lối tiếp cận từng phần, mặc dù điều này mang tính tự phát nhiều hơn là có mục tiêu rõ ràng giống như các đô thị Nhật Bản. Chính vì vậy, đô thị Việt Nam thoạt nhìn có một sự “lộn xộn” theo kiểu châu Á, có khả năng tự nhân rộng nhưng không thể tự cân bằng giống như các đô thị “Amip”. Việc phân bố sử dụng đất chưa hợp lý trong mỗi khu vực tạo nên sự mất cân đối giữa cây xanh - kiến trúc - con người trong đô thị. Và vì thế, chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề của đô thị, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.

Hiện đô thị Việt Nam có 4 vấn đề lớn cần phải giải quyết. Đó là: đô thị hóa tăng; vấn đề của đô thị tăng; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng. Như vậy, trong các nhóm giải pháp kiến trúc, quy hoạch, hạ tầng phải quan tâm đến môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, với tác động của dịch Covid-19 đã làm gia tăng, thay đổi nhu cầu và thị hiếu người dân theo hướng nâng cao chuẩn mực sống, ưa đô thị xanh hơn, cảnh quan và an toàn hơn. Theo đó, nhu cầu về gia tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người cùng với không gian riêng tư hơn, các thành viên trong gia đình đều muốn có không gian sinh hoạt riêng, thậm chí nhiều không gian độc lập riêng biệt như không gian làm việc, sinh hoạt, vui chơi giải trí. Nhu cầu không gian, mật độ phù hợp, không quá đông người cũng đã tăng lên trong và sau dịch Covid-19.

Các đô thị ở Việt Nam hiện vẫn chưa đồng bộ, nơi thì chỉ có nhà ở mà thiếu trường học, cơ sở y tế, hoặc chỉ có một vài tiện ích. Tiếp theo là tình trạng quá tải, có thể bản thân khu đô thị không quá tải nhưng xung quanh quá tải. Thêm vào đó, chất lượng hạ tầng bên trong chưa đúng với mong muốn của người dân. Đơn giản như xử lý rác thải vẫn rất thủ công, không phải là hướng đi của tương lai, ngay cả việc phân loại rác thải, cũng chưa đâu làm đến nơi đến chốn.

Nêu ra giải pháp phát triển đô thị Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cơ quan quản lý, nhà phát triển dự án cần tiếp tục quan tâm quy hoạch, không phát triển ồ ạt các dự án đô thị lớn, mà cần có lựa chọn các dự án đạt tiêu chuẩn và phù hợp xu thế, nhu cầu phát triển. Trước mắt, cần sớm khắc phục tồn tại, hạn chế đối với các khu đô thị như: tiếp tục cải tạo hệ thống giao thông, đặc biệt là các nút giao thông mật độ cao để giảm thiểu tai nạn và tắc nghẽn giao thông; phát triển giao thông công cộng, hạn chế ô tô cá nhân và xe máy; kiểm soát chặt chẽ chất lượng xe về mặt môi trường để giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông gây ra. Tăng cường đấu nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hệ thống ngầm nổi giữa các dự án và các khu vực địa phương liền kề. Đặc biệt cần lưu ý đến vấn đề cốt nền khu vực và dự án để tránh tình trạng trũng nước vào khu vực xung quanh sau khi dự án hoàn chỉnh. Cải tạo hệ thống thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng khi mưa lũ, bằng cách xây dựng có quy hoạch các dự án sao cho đồng bộ với cốt cao độ các khu đô thị và khu dân cư cũ với nhau, tạo độ dốc để nước thoát. Đặc biệt là phải bảo đảm khâu thu gom rác thải vệ sinh, triển khai rộng rãi công tác phân loại rác thải ngay tại nguồn phát sinh, góp phần giảm bớt gánh nặng cho thu gom và xử lý chất thải đô thị; đầu tư cơ sở vật chất xử lý và tiêu hủy chất thải rắn theo đúng phương thức hợp vệ sinh.
Khi phát triển các đô thị xung quanh thành phố như Hà Nội, TPHCM, các chủ đầu tư cần quan tâm tới đối tượng xã hội, người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Vì vậy, cần dành riêng phân khu có giá trị phù hợp cho các đối tượng này, cùng các hệ thống tiện ích liên quan phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Hoàn chỉnh ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành

UBND TPHCM vừa giao Sở QH-KT TPHCM phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành; đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể không gian ngầm của thành phố; kiến trúc không gian ngầm và không gian phía trên phải hài hòa, đồng bộ và có tính kết nối với các khu vực không gian xung quanh (chợ Bến Thành, công viên 23/9…). Không gian ngầm là tài nguyên quan trọng của thành phố, đặc biệt là khu vực nhà ga Bến Thành. Vì vậy, UBND TPHCM yêu cầu ý tưởng thiết kế cần tính đến yếu tố lịch sử phát triển không gian của khu vực nhưng vẫn đảm bảo tính hiện đại, gắn với định hướng phát triển của thành phố trong tương lai, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố, đất nước và con người Việt Nam.

                                                                                      PHÚC LONG

Tin cùng chuyên mục