Phản hồi bài Liên kết đào tạo - Lợi lộc đè chất lượng

Các trường phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình

Sau khi Báo SGGP có bài Liên kết đào tạo - Lợi lộc đè chất lượng (đăng ngày 26-3-2018), Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường báo cáo những vấn đề mà báo phản ánh. Trong đó, Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh việc phải đảm bảo quyền lợi của người học. Sau đây là những nội dung mà Bộ GD-ĐT phản hồi đến Báo SGGP trong văn bản ngày 6-4-2018.   
PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), khẳng định: “Bộ GD-ĐT không có văn bản cho phép Trường ĐH Thành Đông, Trường ĐH Chu Văn An, Trường ĐH Đông Đô, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM liên kết đào tạo ĐH chính quy và thạc sĩ tổ chức tại các địa điểm như báo nêu”.
Về các cơ sở pháp lý hiện nay, PGS-TS Trần Anh Tuấn cho biết: Đối với đào tạo trình độ ĐH, việc tổ chức và đào tạo hệ chính quy phải thực hiện tại cơ sở giáo dục ĐH (cơ sở chính của trường).
Việc liên kết đào tạo được áp dụng đối với hình thức vừa làm vừa học (theo Quy định về liên kết đào tạo trình độ ĐH được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2017). Đối với các trường đã được tự chủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (có nội dung tự chủ về liên kết đào tạo), hiệu trưởng nhà trường quyết định việc liên kết đào tạo theo quy định hiện hành. 
Việc đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài cơ sở đào tạo được quy định tại Điều 23 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ (ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014).
Trong đó, địa điểm đào tạo trình độ thạc sĩ là trụ sở của cơ sở đào tạo (cơ sở chính của trường), được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện thực tế đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định trước khi cho phép mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ.
 Các trường phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình ảnh 1 Sinh viên đang học tại Trường TC Công đoàn TPHCM (quận Bình Thạnh)
Trong trường hợp cần thiết (đào tạo nhân lực cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, vùng - khu vực kinh tế trọng điểm), đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép hoặc quyết định việc tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở đào tạo. 
Về triển khai thực tế của các trường theo thông tin báo nêu, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường báo cáo nhanh. Qua báo cáo nhanh, các trường liên quan đều khẳng định không tổ chức liên kết đào tạo chính quy và thạc sĩ tại các địa phương như phản ánh.
Riêng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM xác nhận có tổ chức đào tạo tại địa điểm Trường Cao đẳng (CĐ) Công thương TPHCM. Tuy nhiên, các lớp này không phải là liên kết đào tạo giữa 2 trường, mà đây là các lớp liên thông của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM có đặt tại Trường CĐ Công thương TPHCM với hợp đồng thuê địa điểm đào tạo, nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên ở quận 9, quận 2, quận Thủ Đức có điều kiện học gần, không phải di chuyển lên cơ sở chính. 
Theo PGS-TS Trần Anh Tuấn, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ các vấn đề được phản ánh. Trong trường hợp các trường có tổ chức tuyển sinh và đào tạo các lớp liên kết đào tạo/đào tạo ngoài cơ sở chính sai quy định, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định 138/2013.
Các trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước người học và xã hội về sai phạm của mình. Trong từng trường hợp cụ thể, tùy theo mức độ vi phạm, trên cơ sở xem xét đảm bảo quyền của người học, Bộ GD-ĐT sẽ có các biện pháp xử lý theo quy định. 
Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều sinh viên đang học ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Thành Đông liên kết Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh, tổ chức đào tạo tại Trường Trung cấp (TC) nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng (quận 10), thì khi sinh viên đăng ký học, cả viện và trường đều khẳng định là cấp bằng chính quy. Giờ nếu cấp bằng vừa làm vừa học thì các sinh viên không đồng ý và yêu cầu phải hoàn lại học phí.
Yêu cầu tương tự cũng được nhiều sinh viên đang học các ngành Luật, Xây dựng, Kế toán của Trường ĐH Thành Đông liên kết với Công ty cổ phần Giáo dục Đất Việt (đang đào tạo tại Trường TC Công đoàn TPHCM) đưa ra.  
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, hiện nay Sở GD-ĐT TPHCM cũng chưa nhận được công văn xin mở lớp liên kết đào tạo, UBND TPHCM cũng chưa có quyết định cho phép các trường như ĐH Thành Đông, ĐH Chu Văn An… thực hiện liên kết đào tạo ĐH hệ chính quy lẫn vừa học vừa làm.
Trong khi đó, theo Quy định về liên kết đào tạo trình độ ĐH được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2017, các trường muốn liên kết phải được chính quyền địa phương cho phép và sau đó Bộ GD-ĐT ra quyết định cho phép thì mới được thực hiện liên kết đào tạo.

Tin cùng chuyên mục