Các tỉnh miền Tây gồng mình ứng phó kẹt xe dịp Tết

Ngày 21-1, Thượng tá Huỳnh Thống Nhất, Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh Bến Tre cho biết, bắt đầu từ hôm nay cho đến ngày 23-1 (29 âm lịch) lượng xe từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, TPHCM đổ về các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng đột biến, do người dân đồng loạt về quê ăn tết, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ.
Dòng xe nối đuôi nhau qua cầu Rạch Miễu
Dòng xe nối đuôi nhau qua cầu Rạch Miễu
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng từ 15 giờ cùng ngày, lượng xe đã bắt đầu ùn tắc, những chiếc xe tải nối đuôi nhau, di chuyển chậm rãi hướng từ Tiền Giang đổ về cầu Rạch Miễu, qua Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Bến Tre.

Được biết, tình trạng này như một “điệp khúc” mỗi dịp lễ, tết hằng năm. Nguyên nhân do thiết kế cầu Rạch Miễu chỉ cho 6.000 lượt phương tiện qua lại/ngày đêm, nhưng những ngày cận tết, lượt người đổ về quê khá đông, nên lượng xe vượt gấp hơn ba lần so với thiết kế.

Theo thống kê của Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, những ngày qua, mỗi ngày đêm có khoảng 18.000 lượt ô tô các loại qua cầu, riêng ngày cuối tuần tăng lên khoảng 20.000 phương tiện/ngày đêm. Điều này đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng cho các phương tiện khi đi qua khu vực này.

Theo Thượng tá Huỳnh Thống Nhất, lượng xe sẽ còn tăng đột biến trong 2 ngày tới vì bà con đồng loạt nghỉ tết. Chính vì điều này, Phòng CSGT tỉnh Bến Tre cũng có họp thống nhất phương án với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bến Tre cử một cán bộ thanh tra giao thông trực tại trạm BOT cầu Rạch Miễu, nếu có ùn tắc giao thông cục bộ, sẽ yêu cầu đơn vị cho xả trạm theo quy định.

Các tỉnh miền Tây gồng mình ứng phó kẹt xe dịp Tết ảnh 1 Xe nối đuôi nhau lên cầu Rạch Miễu
Có thể thấy, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ như thế này trong những dịp lễ, tết không chỉ gây khó khăn trong lưu thông mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, ngày 17-1, tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ GTVT, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, với tốc độ phát triển của Bến Tre như hiện nay, kết hợp với việc khơi thông bốn đoạn nâng cấp, mở rộng QL 60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, tình hình ùn ứ giao thông qua cầu Rạch Miễu sẽ còn phức tạp hơn nữa. Vì vậy, để giảm tải lượng xe qua cầu Rạch Miễu, ông Trọng đề nghị Bộ GTVT cho phép tỉnh làm bến phà tạm từ An Khánh (Bến Tre) qua Song Thuận (Tiền Giang), với vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Còn tại bến phà Đình Khao (Vĩnh Long), những ngày qua, lượng ôtô đã bắt đầu tăng từ 1.600 lên 1.900 lượt mỗi ngày, chủ yếu là xe tải chở hàng. Lượng xe máy vẫn ở mức 8.000-9.000 lượt mỗi ngày. Dự kiến, đợt cao điểm xe qua phà từ 27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết.

Ông Lê Hoàng Thông, Trưởng bến phà cho biết, đơn vị đã huy động năm đội phà hoạt động đợt cao điểm, tăng một đội so ngày thường. Hai phà loại 200 tấn và ba phà 100 tấn chạy 24/24; đồng thời, một phà 100 tấn được bố trí dự phòng tình huống bất ngờ. Ngoài ra, 80 nhân viên bến phà chia làm 3 ca hoạt động suốt ngày đêm để đảm bảo lưu thông xuyên suốt, giảm thiểu tối đa ùn tắc.

Các tỉnh miền Tây gồng mình ứng phó kẹt xe dịp Tết ảnh 2 Xe di chuyển chậm chạp
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng CSGT, Công an tỉnh Vĩnh Long, tại phà Đình Khao thuộc bờ Vĩnh Long, nếu xảy ra ùn tắc thì lực lượng chức năng sẽ điều tiết xe theo quốc lộ 53 vòng qua Trà Vinh rồi qua cầu Cổ Chiên về Bến Tre. Nếu ùn ứ xảy ra ở bờ huyện Chợ Lách (Bến Tre), các xe sẽ được hướng dẫn vòng về quốc lộ 60 để qua cầu Cổ Chiên về Trà Vinh.

Còn tại cầu Mỹ Thuận trên quốc lộ 1A, nếu kẹt xe ở bờ Vĩnh Long, CSGT sẽ hướng dẫn các xe rẽ sang quốc lộ 80 vòng về hướng Đồng Tháp qua cầu Cao Lãnh, theo quốc lộ 30 qua quốc lộ 1A hoặc đi theo đường N2 về TPHCM.

Ngược lại, nếu ùn tắc phía Cái Bè (Tiền Giang), các xe sẽ rẽ quốc lộ 30 sang Đồng Tháp, qua cầu Cao Lãnh, Vàm Cống về Cần Thơ.

Tin cùng chuyên mục