Các tỉnh Đông Nam bộ từng bước phục hồi sản xuất

Tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh Đông Nam bộ cơ bản được kiểm soát và nhiều địa phương từng bước nới lỏng giãn cách, khôi phục sản xuất kinh doanh. Chỉ khoảng 2 tháng nữa là hết năm 2021, nên cả chính quyền và doanh nghệp (DN) đang cấp tập tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, duy trì đà tăng trưởng.
Công nhân Công ty TNHH Nitori, Bà Rịa - Vũng Tàu sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Ảnh: NÔNG NGÂN
Công nhân Công ty TNHH Nitori, Bà Rịa - Vũng Tàu sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Ảnh: NÔNG NGÂN

Hàng trăm ngàn công nhân trở lại làm việc

Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp duy trì sản xuất để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là đối với các DN FDI có dây chuyền sản xuất ở nhiều nước trên thế giới. Theo đó, từ khi trở về trạng thái bình thường mới (ngày 1-10) đến nay, có hơn 150 DN đăng ký hoạt động trở lại, trong đó có 84 DN thực hiện mô hình “3 xanh” và hiện toàn tỉnh có 3.330 DN đang hoạt động với 331.585 lao động. Khảo sát ở các trục đường chính như quốc lộ 13, ĐT 743 dẫn vào các KCN đã tấp nập phương tiện vận tải ra vào vận chuyển hàng hóa.

Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau gần một tháng thực hiện Chỉ thị 15, đã có 33 DN với hơn gần 15.000 lao động mở cửa hoạt động trở lại, nâng tổng số DN trong các KCN đang hoạt động lên hơn 300 đơn vị. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng qua của tỉnh vẫn đạt hơn 228.000 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ.

Tình hình tại tỉnh Bình Phước cũng khá khả quan, sau khi mở cửa đã có 166/174 DN với 42.540 lao động mở cửa trở lại làm việc; ngoài khu vực KCN cũng có hơn 3.000 DN với hơn 56.000 lao động đã trở lại sản xuất theo hướng an toàn. Hiện có gần 100 DN ở địa phương đang cần tuyển dụng hơn 9.200 lao động để khôi phục công suất so với trước dịch. Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để chủ động nguồn lực phòng chống dịch, Bình Phước đã có văn bản báo cáo Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn đồng thời cân đối nguồn lực, tiết kiệm tất cả các khoản chi chưa cần thiết để tiếp tục chi hỗ trợ trong thời gian tới.

Tại tỉnh Đồng Nai, hiện tại có 400 DN thực hiện cùng lúc phương án “3 tại chỗ” với 41.306 lao động đi về hàng ngày. Và hiện đã có 1.582/1713 DN với tổng số 497.050 lao động đang hoạt động, đạt tỷ lệ 92%. Nhưng hiện vẫn còn 131 DN đang tạm ngưng hoạt động với 118.308 lao động.

Riêng với tỉnh Tây Ninh, ngay từ cuối tháng 9-2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về phương án khôi phục sản xuất kinh doanh với từng cấp độ nguy cơ của dịch. Ngay sau đó đã có 185 DN trong và ngoài nước tại KCN, khu kinh tế của tỉnh (chiếm gần 70% DN trong tỉnh) đã đăng ký khôi phục sản xuất và thu hút khoảng 56.000 lao động (chiếm trên 40%) trở lại làm việc.

Đảm bảo sản xuất an toàn

Theo đánh giá, đợt dịch thứ 4 gây thêm nhiều khó khăn cho các DN như: chi phí thực hiện mô hình “3 tại chỗ” lớn, áp lực trả lãi vay ngân hàng, duy trì tiền lương cho công nhân. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, nhân lực, thuế còn bị hạn chế. Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động ở một số địa phương mới đạt khoảng 20% khiến nhiều DN dè dặt, thận trọng từng bước để mở cửa sản xuất.

Tại hội nghị đối thoại trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19  được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vào đầu tháng 10-2021, nhiều DN đã đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 và tạo thuận lợi cho đi lại của người lao động. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc cắt giảm lãi suất, khoanh nợ và sẵn sàng giải ngân các gói vay mới để DN phục hồi sản xuất kinh doanh như Agribank Vũng Tàu đã giảm lãi suất cho vay 2.131 khách hàng, tổng số tiền giảm 11 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 44 khách hàng, với dư nợ 89 tỷ đồng; giải ngân 38 khoản vay mới với lãi suất ưu đãi từ 3,3-6%/năm.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn nước rút để các đơn vị tăng tốc hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tỉnh yêu cầu các DN vừa bảo đảm hài hòa lợi ích tăng trưởng kinh tế với công tác phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ” và “5K + vaccine và công nghệ”. Tỉnh cam kết hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Tin cùng chuyên mục