Các nước tiếp tục ủng hộ hòa bình và an ninh ở Biển Đông

Australia đã bác bỏ các yêu sách lãnh thổ và trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông trong một tuyên bố chính thức gửi Liên hiệp quốc (LHQ). 
Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cũng đã tái khẳng định cam kết của Washington ủng hộ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Australia: Yêu sách của Trung Quốc phi lý

Australia đã gửi công hàm số 20/026 lên LHQ bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Công hàm nhấn mạnh, Australia nhận thấy “không có cơ sở pháp lý” cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này, bao gồm cả những yêu sách liên quan tới các công trình đảo nhân tạo trên các bãi cạn nhỏ hoặc bãi đá ngầm.

Đáng chú ý, công hàm của Chính phủ Australia cũng khẳng định, không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong Công hàm gửi LHQ ngày 17-4-2020, nói rằng “các yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận”.

Công hàm nhấn mạnh: “Australia bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” hay “các quyền và lợi ích trên biển” được thiết lập trong lịch sử hoạt động lâu dài ở Biển Đông. Không có cơ sở pháp lý nào cho Trung Quốc vạch ra các đường ranh giới kết nối các điểm xa nhất của thực thể trên biển hay “các nhóm đảo” ở Biển Đông, bao gồm cả xung quanh cái mà Trung Quốc gọi là “Tứ Sa” hay “lục địa” hay các quần đảo xa xôi hẻo lánh”. 

Công hàm có đoạn viết: “Chính phủ Australia bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể”.

Đề cập tới các đảo nhân tạo trái phép Trung Quốc xây trên những thực thể chiếm đóng ở Trường Sa, Australia khẳng định, đá và bãi cạn, bãi chìm vẫn sẽ chỉ là đá và các bãi cạn, bãi chìm. “Các thực thể đã được con người cải tạo không thể hưởng quy chế của đảo tự nhiên”.

Mỹ ủng hộ COC

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell, mới đây đã tái khẳng định cam kết của Washington ủng hộ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Ngày 24-7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho biết, ông Stilwel đưa ra lời khẳng định trên tại Hội nghị quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ngày 21-7 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN và ARF.

Hội nghị có sự tham dự của đại biểu 27 nước/tổ chức tham gia ARF và đại diện Ban thư ký ASEAN. Các cuộc họp trong khuôn khổ ARF nằm trong số ít những sự kiện đa phương có sự tham dự của các quan chức Triều Tiên.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell, đã nhấn mạnh cam kết hiện nay của Mỹ trong việc ủng hộ một COC ở Biển Đông, cũng như hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện và được kiểm chứng đầy đủ...”.

Ngoài hội nghị trên, ông Stiwell cũng tham dự Hội nghị trực tuyến quan chức cao cấp các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN, trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), chủ trì.

Tin cùng chuyên mục