Các nước hướng tới miễn dịch cộng đồng

Chấp nhận sống chung với Covid-19, các nước trên thế giới thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại an toàn, tìm giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng cách miễn dịch cộng đồng.
Một điểm tiêm vaccine Covid-19 tại Ireland
Một điểm tiêm vaccine Covid-19 tại Ireland

Mở cửa theo lộ trình 

Tại châu Âu, Ireland là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 thành công nhất khu vực. Thông qua các hoạt động tuyên truyền hiệu quả cũng như việc sớm áp dụng giấy chứng nhận y tế Covid-19, còn gọi là thẻ xanh Covid-19, gần 90% người trưởng thành ở Ireland đã được tiêm chủng đầy đủ. Ireland dự kiến dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế vào tháng 10.

Trước đó, Ireland từng là một trong những quốc gia có đợt phong tỏa lâu nhất ở châu Âu. Theo sau Ireland là Tây Ban Nha (77%), Na Uy (67%). Việc sớm nới lỏng giãn cách tiến tới việc mở cửa trong tháng 9 giúp nền kinh tế các quốc gia này nhanh chóng phục hồi. 

Các nhà khoa học tại Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) phát hiện dấu hiệu cho thấy những người đã tiêm vaccine Covid-19 vẫn có thể lây biến chủng Delta cho những người chưa tiêm. Vì vậy, họ cho rằng ngưỡng miễn dịch cộng đồng giờ đây không phải ở mức 60-70%, mà lên tới 90% dân số.

Nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU), Anh là hình mẫu để nhiều nước noi theo nhằm hướng tới một cuộc sống “bình thường mới” khi đang ở khá gần với ngưỡng quan trọng của miễn dịch cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, hơn 47 triệu người (tương đương gần 90% dân số) trưởng thành tại Anh đã được tiêm liều vaccine đầu tiên và khoảng 39,5 triệu người (chiếm 75% dân số) trưởng thành đã tiêm đủ 2 liều.

Hiện Anh thuộc những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Chính phủ Anh từng duy trì một trong những lệnh phong tỏa dài nhất thế giới và trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại để có thêm thời gian phủ vaccine trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh. Việc mở cửa cũng được thực hiện theo lộ trình, ở lãnh thổ Anh là chủ yếu, trong khi Scotland, Wales và Bắc Ireland có lộ trình riêng.  

Cùng với nỗ lực tăng tốc tiêm phòng, một loạt nước châu Á đã thông báo các kế hoạch nới lỏng biện pháp phòng dịch. Thái Lan có kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và các điểm đến lớn khác cho khách du lịch nước ngoài vào tháng 10. Indonesia cũng đã nới lỏng các hạn chế, cho phép không gian công cộng mở cửa trở lại và cho phép các nhà máy hoạt động trở lại hết công suất. Malaysia, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực (hơn 56% dân số), đã mở trở lại Langkawi cho khách du lịch trong nước. Một số tiểu bang tại Malaysia cũng bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với những người được tiêm chủng.

Là quốc gia kiên trì áp dụng chính sách Zero Covid (không Covid), Trung Quốc đang có hoạt động tiêm chủng mạnh mẽ nhất trong khu vực. Theo nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc Chung Nam Sơn, khả năng cao Trung Quốc sẽ đạt tỷ lệ tiêm vaccine lên con số 80% trước cuối năm nay, dẫn tới đạt miễn dịch cộng đồng.

Cần thận trọng 

Việc các quốc gia tiến tới mở cửa sau khi tăng tốc tiêm chủng là tín hiệu đáng mừng, nhưng giới chuyên gia vẫn khuyến cáo hoạt động nới lỏng giãn cách nên tiến hành thận trọng. Trường hợp ở Israel đang là ví dụ. Vài tháng trước, Israel là hình mẫu thành công của thế giới trong việc tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19 sớm cho hầu hết người dân đủ điều kiện. Nước này dỡ bỏ hầu như tất cả hạn chế về phòng chống Covid-19. Đến cuối tháng 6, số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng lên.

Theo chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm, Giám đốc Viện Doherty ở Australia Sharon Lewin, nếu không có biện pháp nào để kiểm soát biến chủng Delta, rất khó để ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm, dù cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao. Ngay cả với mức tiêm chủng 80% vẫn cần có một số biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại châu Á, sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% dân số, Singapore đưa ra kế hoạch sống chung với Covid-19, theo đó giảm các yêu cầu kiểm dịch và tính đến việc mở cửa trở lại với thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa đang được Chính phủ Singapore xem xét cẩn trọng và buộc phải siết lại quy định phòng dịch do số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại với tỷ lệ cao, trung bình từ 1.600 đến 1.900 ca/ngày, kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây hồi tháng 4 năm ngoái. Tín hiệu tích cực là dù các ca mắc tăng cao, số ca tử vong do Covid-19 ở Singapore vẫn ở mức thấp trên thế giới. 

Diễn biến ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cho thấy, kết quả không dễ dàng thành công ngay khi mở cửa mà phụ thuộc chủ yếu vào các kế hoạch mở cửa có bền vững hay không và năng lực thực hiện của quốc gia đó.

Tin cùng chuyên mục