Các nước đẩy mạnh kích cầu nội địa

Ngày 24-7, Italy và Pháp cùng công bố các gói chi tiêu bổ sung hoặc hỗ trợ việc làm nhằm tiếp tục vực dậy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng thông báo có 41 quốc gia đề nghị được giãn nợ.
Kinh tế châu Á hậu Covid-19 nhận được nhiều đánh giá khả quan. Ảnh: China Daily
Kinh tế châu Á hậu Covid-19 nhận được nhiều đánh giá khả quan. Ảnh: China Daily

Mạnh tay chi tiêu

Theo truyền thông Italy, Rome vừa thông qua đề xuất chi tiêu bổ sung 25 tỷ EUR để thực hiện chương trình hỗ trợ người lao động buộc phải tạm thời nghỉ việc do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cấp thêm các khoản trợ cấp cho chính quyền địa phương, giãn thời hạn nộp thuế cho cá nhân, doanh nghiệp và hỗ trợ các trường học với mục tiêu trẻ em, học sinh, sinh viên có thể đến trường trở lại vào tháng 9 tới.

Mặc dù phải tăng chi tiêu, nhưng chính phủ cam kết sẽ tìm cách cắt giảm thâm hụt ngân sách, vốn đang ở mức 10,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1-2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng do khoản chi tiêu bổ sung này. Đề xuất chi tiêu bổ sung mới nhất dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội Italy để bỏ phiếu thông qua vào đầu tháng 8. 

Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex công bố chi tiết kế hoạch giải pháp việc làm cho giới trẻ, được thực hiện trong 2 năm 2020-2021 với tổng số tiền đầu tư lên đến 6,5 tỷ EUR, bên cạnh 3,5 tỷ EUR đã được duyệt trong ngân sách trước đó.

Ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ việc tuyển dụng những lao động từ 25 tuổi trở xuống. Một khoản tiền lên tới 4.000 EUR sẽ được hỗ trợ trả cho các hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên. Người sử dụng lao động đã đồng ý tăng trần lương tháng lên 2 mức lương tối thiểu, nghĩa là hơn 3.000 EUR/tháng, thay vì 1,6 mức lương tối thiểu như dự kiến ban đầu. Chính phủ ước tính biện pháp này sẽ hỗ trợ cho khoảng 450.000 người lao động trẻ.

Trong thông tin liên quan, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gerry Rice ngày 24-7 cho biết, 41 quốc gia đã chính thức đề nghị được giãn nợ theo sáng kiến giãn nợ của tổ chức tài chính này.

Theo ông Gerry Rice, kể từ tháng 3 vừa qua, IMF đã cung cấp khoảng 25 tỷ USD cho 72 quốc gia theo chương trình tài trợ khẩn cấp của tổ chức này mà không kèm theo các điều kiện như thông lệ. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, sáng kiến này tạo điều kiện để giải phóng 12 tỷ USD cho các nước ứng phó với các vấn đề y tế và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Triển vọng châu Á

Trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Âu và Mỹ thì các quốc gia ở châu Á đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Điều này là tín hiệu tốt để các nhà kinh tế tin tưởng rằng châu Á có khả năng hồi phục nhanh chóng sau khi dịch bệnh qua đi.

Oxford Economics (OE), Tổ chức phân tích và dự báo kinh tế toàn cầu có trụ sở tại Oxford, Anh, đưa ra 2 kịch bản dự báo cho sự hồi phục kinh tế châu Á hậu Covid-19.

Một là, kinh tế châu Á sẽ hồi phục mạnh mẽ từ cuối năm 2020 đầu 2021. Kịch bản này giả định rằng các quốc gia châu Á sẽ nới lỏng hoặc loại bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vào tháng 6, tháng 7 và cho phép các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Bên cạnh đó, việc các quốc gia châu Á đã triển khai nhiều chính sách tài chính - tiền tệ, các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn cũng tạo cơ sở vững chắc cho kịch bản thứ nhất.

Cụ thể, Trung Quốc đã triển khai gói hỗ trợ tương đương 1,3% GDP của nước này; Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, đặc khu Hồng Công tương đương lần lượt  7,4%, 12%, 11,4%, 10%; Malaysia đã triển khai gói hỗ trợ Covid-19 lên đến 17,2% GDP.

Ở kịch bản thứ hai, OE giả định dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến các nước phải kéo dài các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đến cuối quý 3-2020. Điều này khiến hoạt động kinh doanh cầm chừng, làm suy yếu thị trường tài chính. Các gói kích cầu, hỗ trợ của chính phủ vẫn được xem xét ở kịch bản này.

OE kết luận, các nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục từ năm 2021 nhưng mức độ chậm hơn so với kịch bản thứ nhất.

The Local Sweden dẫn số liệu của Cơ quan thống kê Thụy Điển cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 6 là gần 10%, mức cao nhất kể từ năm 1998, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong tháng 6 ở Thụy Điển là 557.000 người, tăng 150.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Giới trẻ bị tác động mạnh nhất, với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 là 28%, mức cao nhất kể từ năm 1993. Khoảng 173.000 người dưới 25 tuổi đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp, tăng 50.000 người so với trước khi bùng phát dịch. Sự tăng mạnh này chủ yếu do những người ký hợp đồng làm việc tạm thời hoặc không được gia hạn hợp đồng.

Còn tại nước láng giềng Đan Mạch, nơi đã áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt hơn, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 cũng tăng lên mức cao nhất từ năm 2012, ở mức 5,6% so với 3,7% trong tháng 2.

Tại Na Uy, tỷ lệ thất nghiệp là 4,9% trong tháng 6, tăng so với 3,8% trong tháng 2.

Các nền kinh tế Bắc Âu dự báo sẽ phải đối mặt với suy thoái sâu. GDP của Thụy Điển sẽ suy giảm 6% trong năm nay, trong khi Na Uy dự báo suy giảm 3,5% và Đan Mạch là âm 4,1%.

HÀ TRANG

Tin cùng chuyên mục