Các kênh truyền hình “hot” đột ngột bị thay thế: Đặc quyền của nhà cung cấp?

Với hành động tùy tiện thay đổi kênh truyền hình, trên mạng xã hội Facebook cũng đã xuất hiện một số nhóm tẩy chay VTVcab vì không tôn trọng khách hàng.
Hàng loạt các kênh truyền hình quen thuộc được thay thế bởi các kênh mới trên VTVcab từ 1-4 (Ảnh nguồn VTVcab)
Hàng loạt các kênh truyền hình quen thuộc được thay thế bởi các kênh mới trên VTVcab từ 1-4 (Ảnh nguồn VTVcab)
Ngày 1-4, khách hàng thuê bao VTVcab và NextTV đã vô cùng bất ngờ khi đồng loạt 22 kênh truyền hình nước ngoài quen thuộc, được khán giả yêu thích gồm HBO, Disney, Discovery, Animal Planet, Fox Sports 1, Fox Sports 2, Discovery Asia, Cartoon Network… đã biến mất và thay thế vào đó là những kênh khác.
Ban đầu nhiều người cho rằng đó là trò đùa của ngày “cá tháng 4”… song không phải đùa mà là hành động thật của nhà cung cấp. Trước sự việc này, nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc. Thậm chí, nhiều người còn đòi tẩy chay và “dọa” sẽ cắt hợp đồng nếu không nhận được lời giải thích thỏa đáng.

Hàng chục kênh bị mất sau một đêm
Trong luồng sóng phản đối dữ dội của người xem VTVcab, ông Bùi Huy Năm - Tổng Giám đốc VTVCab, cho rằng, họ đã có nhiều thông báo trước bằng việc chạy chữ trên màn hình, truyền thông báo chí… Vị này cũng bao biện việc không thể thông báo tới từng khách hàng là do nhiều người không đăng ký số điện thoại, email…; rằng nhiều lần thông báo bằng tin nhắn nhưng khách hàng phản hồi không nhận được; rằng việc thay thế các kênh mới, đã tham vấn nhiều người có hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, giải trí, thể thao… Giải thích nhiều như vậy cũng là để biện minh cho hành vi “coi thường ” khách hàng của đơn vị này.
Tương tự, đại diện của NextTV, của Viettel cũng như VTVCab nói rằng, họ đã thực hiện truyền thông trên báo chí, thông báo, chạy chữ trên nhiều kênh truyền hình, website... Việc kiểm chứng hiệu quả của việc này còn chưa tính đến, song có một sự thật là ngay cả những nhân viên kỹ thuật của Viettel tại nhiều khu vực ở Hà Nội cũng vô cùng ngỡ ngàng với sự “mất kênh”. Ngày 4-4, tức là đã 4 ngày sau khi ngưng phát một loạt các kênh “hot”, thay bằng những kênh mới, nhân viên kỹ thuật của đơn vị này cũng không biết tại sao có sự thay đổi trên vì cơ quan chưa hề có thông báo chính thức về việc này. Trao đổi với khách hàng, một nhân viên giấu tên cho biết, ngày 1 và 2-4, bên anh có quá nhiều cuộc điện thoại báo bị mất kênh HBO. Ban đầu, các nhân viên cứ nghĩ rằng chắc có sự hoán đổi vị trí. Song sau khi kiểm tra thực tế, dò tìm vẫn không lần ra nguyên nhân mất kênh, chính họ cũng hoang mang. Phải tới lúc báo chí lên tiếng thì mới vỡ lẽ là cắt, đổi kênh, nhân viên này nói.
Trước những chất vấn về việc tại sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy, phía đơn vị VTVcab đưa ra lời giải thích: “Đáp ứng nhu cầu xem nhiều hơn, xem hay hơn của khán giả, sự lên sóng hàng chục kênh mới sẽ làm giàu hơn thực đơn giải trí của mỗi gia đình; hội tụ nhiều kênh đẳng cấp được khán giả thế giới yêu thích như Fox, Box Movie1, Planet Earth, History, Baby TV…; khán giả Việt sẽ tiếp cận nhiều chương trình độc đáo từ các giải đấu thể thao đối kháng, seri phim lịch sử, vận động ngoài trời, nấu ăn…; tất nhiên không thể thiếu sự có mặt của thế giới phim đình đám, seri phim hàng đầu, hay các chương trình giải trí ăn khách…”. Song đó dường như chỉ là quan điểm chủ quan của chính các nhà cung cấp dịch vụ mà không phải của đông đảo khách hàng đã tin tưởng lựa chọn họ trước đó. Bởi lẽ, với phần lớn khán giả trong nước thì những kênh mới đều thuộc thể loại “vô danh”, lần đầu tiên được biết đến. Thậm chí, có tờ báo trong nước cũng chỉ ra rằng, các kênh mới vừa được cung cấp thay thế cho khách hàng không chỉ xa lạ với khán giả Việt Nam mà còn lạ lẫm với nhiều nước trong khu vực.
Đại diện NextTV thì đưa ra những thông tin có vẻ là kỹ thuật hơn khi cho rằng, xu thế xem truyền hình hiện nay chuyển từ TV và cáp truyền thống sang xem bằng công nghệ mới như internet, di động, iPad. Các gói kênh trước đây chưa cho phép các kênh nước ngoài phát sóng bằng công nghệ mới này…
Quyền lợi của “thượng đế” ở đâu?
Quan điểm của nhà cung cấp là tốt hơn, nhưng với người tiêu dùng thì họ lựa chọn những cái phù hợp, quen thuộc chứ không chọn cái tốt dưới góc nhìn của người khác. Ai cũng biết rằng, mặc dù thuê bao có hàng chục kênh, thậm chí cả trăm kênh, nhưng mỗi người chỉ lựa chọn một vài kênh “ruột” để theo dõi và họ chấp nhận trả tiền cho cả một gói cước lớn. Không những thế, khách hàng - “thượng đế” của họ lại không hề được hỏi ý kiến hay báo trước về những thay đổi này và họ mặc nhiên phải bỏ tiền ra “ăn” những món mà người khác cho là phù hợp, là ngon. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, trả lời trên báo chí: “Tôi cũng là nạn nhân của hành động đơn phương thay đổi hợp đồng này sau khi đã trả tiền đến hết tháng 9-2018. Đề nghị có hình thức phản đối thích hợp hành vi vi phạm hợp đồng này…”.
Liên quan tới những hành động của các nhà cung cấp truyền hình cáp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng đã ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng về việc Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) bất ngờ cắt hàng loạt kênh truyền hình trong gói dịch vụ từ ngày 1-4 mà không thông báo với người sử dụng dịch vụ. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã yêu cầu báo cáo sự việc để tiến hành xác minh. Trong trường hợp VTVcab vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cục sẽ xử lý đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Trả lời báo chí, đại diện của VTVcab cho rằng, với các thuê bao trả tiền theo năm, việc chấm dứt hợp đồng sẽ không lấy lại được tiền đã thanh toán. Sở dĩ vị này có thể tuyên bố như vậy là do theo bản hợp đồng thì VTVcab có thể thoải mái thay đổi kênh và khách hàng có quyền “đơn phương chấm dứt hợp đồng” nếu không có nhu cầu sử dụng hoặc không đồng ý với các thay đổi của bên cung cấp dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng (như thay đổi về giá cước, số lượng kênh và các kênh chương trình). 
Tuy nhiên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ rõ, theo quy định truyền hình trả tiền do VTVcab đang cung cấp là lĩnh vực dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước khi giao kết với người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, VTVcab chỉ được thực hiện việc thay đổi số lượng kênh và kênh trong mỗi gói dịch vụ sau khi đã đăng tải tại trang điện tử và thông báo tới bên sử dụng dịch vụ dưới một trong các hình thức sau: Nhắn tin trực tiếp tới số điện thoại di động của bên sử dụng dịch vụ (nếu bên sử dụng dịch vụ đăng ký nhận thông báo bằng tin nhắn); gửi thông báo đến bên sử dụng dịch vụ theo địa chỉ mà bên sử dụng dịch vụ đăng ký. Một số luật sư cũng cho rằng, khách hàng còn có thể khởi kiện và thể yêu cầu bồi thường căn cứ vào hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. 
Một vài ý kiến có cái nhìn tích cực hơn thì cho rằng, việc hai doanh nghiệp truyền hình “đổi mới”, đưa ra những sản phẩm khác biệt là tín hiệu tốt, thậm chí còn giúp phá thế độc quyền hiện nay trong việc thương thảo, đàm phán giá mua bản quyền các kênh quốc tế… Nhưng đó là dưới góc nhìn của nhà kinh doanh, người tiêu dùng lẽ nào lại buộc phải tham gia cuộc chơi nhằm giữ túi tiền cho doanh nghiệp?
Tại thời điểm này, những khách hàng của hai nhà cung cấp truyền hình kia vẫn còn một số lựa chọn khác để có thể theo dõi những chương trình mình yêu thích thông qua một số đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác, bao gồm: SCTV, K+, HTVC, MyTV, Truyền hình FPT, HanoiCab… Vì thế, nếu cứ làm việc theo kiểu áp đặt, không đếm xỉa tới lợi ích của khách hàng như vậy, sớm muộn sẽ phải nhận trái đắng.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên VTVcab tự tiện ngừng, đổi kênh. Vào tháng 6-2017, đơn vị này đã ngừng hàng loạt kênh: NGC, Fox Sport 2 trên truyền hình cáp analog tại Hà Nội, với lý do là muốn thay đổi, tăng cường phát sóng các kênh truyền hình trong nước có chất lượng… Và lần này, việc thay đổi hơn 20 kênh quen thuộc với người xem trong nước lại một lần nữa được áp dụng theo kiểu “bổn cũ soạn lại”. Trên mạng xã hội Facebook cũng đã xuất hiện một số nhóm tẩy chay VTVcab vì không tôn trọng khách hàng.

Tin cùng chuyên mục