Các hiệu sách vất vả tồn tại

Mua sách trực tuyến ngày nay trở nên dễ dàng hơn và trong bối cảnh hầu như cả thế giới phải cách ly vì đại dịch Covid-19, mua sách trực tuyến còn là sự an toàn. Theo những người ham đọc sách, không có trải nghiệm sách trực tuyến nào có thể bù đắp cho cảm giác ghé thăm một hiệu sách, lắng nghe lời khuyên từ người bán sách và quan trọng nhất là gặp gỡ những người cùng sở thích đọc sách.

Theo các nhà văn hóa, hiệu sách có một sức mạnh quyến rũ để biến sự khác biệt văn hóa thành tình yêu tri thức chung - một cơ sở vững chắc cho bất kỳ xã hội lành mạnh nào. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn ở Đông Nam Á, các trung tâm thương mại khổng lồ và chuỗi cà phê toàn cầu ngày càng áp đảo không gian văn hóa như hiệu sách.

Những không gian mang hơi hướng cổ điển này thường gắn liền với những quán cà phê ấm cúng, nơi độc giả có thể nán lại hàng giờ. Thông qua đó, sách mang nền văn hóa và văn học toàn cầu đến khu vực. Nếu những không gian đặc biệt này biến mất khỏi các thành phố ở Đông Nam Á, thì sự tự do sáng tạo và nguồn cảm hứng sẽ gặp khó khăn hơn.

Các hiệu sách vất vả tồn tại ảnh 1 Hiệu sách Gerakbudaya Bookshop tại bang Penang, Malaysia

Silkworm Books, một hiệu sách lạ nhất ở Đông Nam Á trong nhiều chục năm qua tại Chiang Mai là một trong số ít hiệu sách đang cố gắng tồn tại giữa “cơn bão sách trực tuyến”. Nhà sách là tập hợp đầy những kệ kim loại cao vút đầy sách được xếp gọn gàng đủ hình dạng, kích cỡ và ngôn ngữ. Điều này đã tạo thành nét riêng cho Chiang Mai và Thái Lan. 

Ra đời từ năm 1987, Silkworm Books được ví là ngọn hải đăng của niềm hy vọng và trí tưởng tượng văn học, tiên phong cho các hiệu sách độc lập khác mọc lên ở nhiều thành phố trong ASEAN như BOA tại TPHCM và Bookworm tại Hà Nội, hoặc các hiệu sách Bưu điện và Aksara ở Nam Jakarta (Indonesia), hay Monument Books có trụ sở tại Phnom Penh với các cửa hàng chi nhánh trên khắp Campuchia, Lào và Myanmar.

Tại hiệu sách Gerakbudaya Bookshop ở bang Penang, miền Bắc Malaysia, chủ cửa hiệu là biên tập viên, nhà văn và người bảo trợ văn hóa địa phương, ông Gareth Richards. Ông đã sử dụng không gian này để thu hút những người yêu thích văn học từ mọi tầng lớp và chủng tộc, phá bỏ ranh giới sắc tộc và tôn giáo vốn là đặc trưng của xã hội Malaysia. Hiệu sách của ông hiện có cửa hàng lớn thứ hai trên phố cổ Beach, thành phố George Town cùng bang Penang - nơi các nhà văn và nghệ sĩ có thể kết nối với giới trí thức địa phương và du khách, tạo thành mối quan hệ không chỉ trong khu vực mà còn mang tầm thế giới.

Nhưng các hiệu sách ở Đông Nam Á cũng như các nơi khác đang bị đe dọa do đại dịch Covid-19, khiến doanh số bán hàng giảm sút. Họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà bán lẻ sách trực tuyến như Amazon. Hiệu sách văn học mang tính biểu tượng của Singapore là Books Actually ở quận Tiong Baru vừa đóng cửa sau 15 năm được ủng hộ ở đảo quốc sư tử. Chủ sở hữu Kenny Leck nói: “Chúng tôi đã đóng cửa không gian vật lý vì sau 2 tháng ngừng hoạt động do Covid-19. Doanh số bán sách trực tuyến hiện đang tốt hơn”.

Không chỉ ở Đông Nam Á, ngay cả những hiệu sách mang tính biểu tượng như Shakespeare & Company ở Paris, The Strand ở New York và City Lights ở San Francisco cũng phải nhờ đến tiền quyên góp để tồn tại. Một trong những hiệu sách lịch sử khác của Paris, Gibert Jeune, cũng vừa đóng cửa trong tháng 1.

Tin cùng chuyên mục