Các hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử và bị xử lý như thế nào?

(Hoàng Văn Tấn, quận Tân Bình, TPHCM)

Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 trả lời: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Trong đó, về vận động bầu cử, Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND quy định những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử, gồm: lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật, hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Tin cùng chuyên mục