Các giải pháp cấp bách của TPHCM trong 1 tháng tới

TPHCM chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu gói cứu tế cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ kinh phí thuê phòng trọ, tổ chức tiêm vaccine để người dân tại các khu vực trên yên tâm ở lại nơi cư trú, trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội.

Ngày 16-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM công bố kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 86 của Chính phủ.

Theo kế hoạch, TPHCM phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP trước ngày 15-9, theo 3 giai đoạn. Cụ thể:

Từ ngày 15-8 đến ngày 22-8, TPHCM tập trung kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19; không để xảy ra trường hợp người bệnh Covid-19 (F0) chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ", “vùng cam", “vùng vàng" và mở rộng “vùng xanh" tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Từ ngày 23-8 đến ngày 31-8, TPHCM mở rộng “vùng xanh", phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7 và quận 11.

Từ ngày 1-9 đến ngày 15-9, TPHCM duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng, số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày (số nhập viện dưới 2.000 người/ngày, tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân); đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2.

Kiểm tra từng phương tiện lưu thông tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: VĂN MINH

Kiểm soát chặt chẽ cả khung giờ từ 6 giờ - 18 giờ

TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 16-8 đến ngày 15-9 năm 2021 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh", phát triển “vùng xanh".

TPHCM tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội một cách thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ, đặc biệt trong khung giờ từ 6 giờ - 18 giờ cùng ngày; thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", phát hiện, xử lý ngay những trường hợp vi phạm.

Các giải pháp cấp bách của TPHCM trong 1 tháng tới ảnh 2 Lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý người ra đường không cần thiết tại chốt cầu Kênh Tẻ, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trên 14 ngày không có F0 mới là đạt “ vùng xanh"

Tại các khu phong tỏa, phải đảm bảo "ngoài chặt, trong chặt", tiếp tục thực hiện triệt để "người cách ly với người, nhà cách ly với nhà", xử lý nghiêm người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu buông lỏng quản lý, để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình tự quản “vùng xanh" của nhân dân, vừa góp phần nâng cao ý thức của nhân dân vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong xét nghiệm, TPHCM đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời bệnh nhân Covid-19 để điều trị hiệu quả; thu hẹp “vùng đỏ", “vùng cam", “vùng vàng", mở rộng “vùng xanh" trên địa bàn. Từ ngày 15-8 đến 22-8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao. Từ ngày 23-8 đến 31-8 là giai đoạn tách nguồn lây nhiễm mạnh. Từ ngày 1-9 đến ngày 15-9 sẽ duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.

Các giải pháp cấp bách của TPHCM trong 1 tháng tới ảnh 3 Người dân tự nguyện tham gia trực chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh” ở quận 3. Ảnh: VĂN MINH

Tổ dân phố, Tổ nhân dân có mức bình thường mới được chia thành 2 mức: Tổ dân phố, Tổ nhân dân đạt "vùng cận xanh" khi không có hộ gia đình có ca F0 mới trong vòng 7 ngày. Nếu trên 14 ngày không có ca F0 mới thì được xác định là Tổ dân phố, Tổ nhân dân đạt "vùng xanh".

Đối với Tổ dân phố, Tổ nhân dân có mức nguy cơ (vùng vàng) khi có 1 hộ gia đình có ca F0, nhưng không có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ; có mức nguy cơ cao (vùng cam) khi có 2 hộ có ca F0 hoặc có 1 hộ gia đình có ca F0, nhưng có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ; có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ) khi có từ 3 hộ gia đình có ca F0 trở lên.

TPHCM duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng bằng giải pháp giám sát, phát hiện sớm những người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, hoặc người có yếu tố nguy cơ là những người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, người béo phì cộng với yếu tố dịch tễ (sống chung nhà với F0, hoặc có tiếp xúc với F0). Cụ thể là thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc bằng test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 (nếu dương tính thì thực hiện tiếp RT-PCR).

Đối với các đơn vị đang được phép hoạt động ở một số lĩnh vực có tiếp xúc nhiều như: y tế, quân đội, công an, nhà máy, doanh nghiệp, giao hàng (shipper)... cần chủ động giám sát bằng xét nghiệm (test kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR) đối với nhân viên của đơn vị định kỳ mỗi 7 ngày.

Đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng, xác định bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh, được phát hiện ở cộng đồng thì tổ chức cho cách ly, chăm sóc, theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế. Nếu những trường hợp này có triệu chứng hoặc có các yếu tố nguy cơ (như mắc các bệnh nền, béo phì hoặc ở trong khu dân cư có nguy cơ lây lan cao) thì cho chuyển đến các cơ sở điều trị để được theo dõi và xử lý kịp thời những diễn biến nặng.

Gói "Home-based care" hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà

Về thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19, TPHCM tập trung thực hiện hiệu quả 2 trụ cột chính trong công tác chăm sóc và điều trị F0, bao gồm: chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại các cơ sở điều trị.

Đối với việc chăm sóc F0 tại nhà, TPHCM thực hiện gói "Home-based care" trong theo dõi và điều trị tại nhà đối với các trường hợp nhiễm có nguy cơ thấp. Các Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn và quận, huyện quản lý theo nhóm địa chỉ hộ gia đình. Tổ phản ứng nhanh hoạt động 24/7 và công bố số điện thoại cho người dân để liên hệ khi cần hỗ trợ về y tế.

TPHCM nâng cao năng lực của Trung tâm Cấp cứu 115 trong việc tiếp nhận cuộc gọi và điều phối xe cấp cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai hiệu quả 5 trạm cấp cứu 115 tại các khu vực (quận 10, quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, TP Thủ Đức); tiếp tục phát triển thêm loại hình xe taxi cấp cứu lên 200 chiếc để phân bổ cho các quận, huyện; bổ sung 50 xe cấp cứu.

Đồng thời, trang bị xe vận chuyển người bệnh cho các Tổ phản ứng nhanh (xe Phương Trang). TP kết nối Tổ phản ứng nhanh với Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", tổng đài “1022" để ưu tiên cấp cứu tại nhà đối với các trường hợp đã qua sàng lọc; vận chuyển người bệnh cấp cứu về các khu vực cấp cứu của cơ sở cách ly tập trung F0 hoặc bệnh viện dã chiến quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất để được thở oxy và sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm, thuốc kháng virus (từ Bộ Y tế) trong khi chờ Tổ điều phối chuyển viện người bệnh Covid-19 nặng hoặc nguy kịch thuộc Sở Y tế điều phối chuyển viện (nếu tình trạng người bệnh không cải thiện).

Đối với việc điều trị, TPHCM điều chỉnh phân tầng điều trị theo hướng còn 3 tầng; rà soát, sắp xếp lại quy trình điều trị bệnh nhân Covid-19 từ lúc phát hiện ca cấp cứu, tiếp nhận, chuyển viện để vận hành có hiệu quả hơn. Cùng với đó, TPHCM nâng cấp, trang bị cho các cơ sở cách ly có chức năng chữa trị của các quận huyện; triển khai thêm các bệnh viện dã chiến, lắp đặt hệ thống oxy hóa lỏng; nâng cấp các bệnh viện dã chiến thu dung để nâng cao năng lực điều trị. TP đảm bảo các bệnh viện được trang bị đầy đủ oxy, các loại thuốc kháng viêm, kháng đông, huy động thêm nguồn lực từ các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19.

TP thành lập Trung tâm điều phối, đầu tư cơ sở vật chất cho các giường bệnh tại hệ thống cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh Covid-19 của TPHCM để chỉ đạo, điều phối công tác chữa trị bệnh nhân Covid-19 kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.

Doanh nghiệp được tạo điều kiện tổ chức sản xuất trở lại

TP duy trì, ổn định sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy; nâng tỷ lệ khoảng 5% đến 10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch.

Các giải pháp cấp bách của TPHCM trong 1 tháng tới ảnh 4 Công nhân sản xuất tại Công ty Nissei Electric. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp được tạo điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án:

Phương án 1: tiếp tục thực hiện phương thức "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án "3 tại chỗ theo kíp" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất)

Phương án 2: tiếp tục thực hiện phương thức "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc phương án "1 cung đường - 2 địa điểm" mở rộng (doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc).

Phương án 3: tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh ("người lao động xanh" được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh" - không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao - trong các khung giờ phù hợp).

Phương án 4: kết hợp các phương thức nêu tại các phương án nêu trên.

Các doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định mới sẽ đăng ký với các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức theo quy định để được cho phép hoạt động theo các phương án trên kể từ sau ngày 15-8.

Từ ngày 1-9 đến ngày 15-9, TPHCM có thể mở rộng tiêm vaccine cho người từ 12-18 tuổi nếu có nguồn vaccine cho phép tiêm trong độ tuổi này.

Trong an sinh xã hội, TPHCM huy động mọi nguồn lực chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu gói cứu tế cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ kinh phí thuê phòng trọ, tổ chức tiêm vaccine để người dân tại các khu vực trên yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. 

Đối với các F0 đang được chăm sóc tại nhà, TPHCM chăm lo hỗ trợ túi an sinh cho các F0 có hoàn cảnh khó khăn, trong đó lưu ý đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản.

Tin cùng chuyên mục