Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tìm thị trường xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã xuất khẩu thành công nhờ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Alibaba.com của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc).

Sáng 21-12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), sàn TMĐT Alibaba.com Việt Nam, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến “Các nhà xuất khẩu tài ba năm 2021” với chủ đề: “Yes, we can” nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới.

Những sản phẩm bán chạy trên Alibaba.com là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế

Hội nghị đã giới thiệu “Sách trắng Alibaba.com Việt Nam” và chân dung các doanh nghiệp xuất khẩu thành công đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh để đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa đi nhiều nước thông qua sàn TMĐT, tại hội nghị, bà Nguyễn Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty Proline Việt Nam cho biết, bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2015 (chuyên ngành sản xuất bao bì) nhưng đến 2018 mới bớt “đám mây u ám” khi có ngay các đơn hàng xuất khẩu sau khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT xuyên biên giới này. Đến năm 2020, sản phẩm của công ty này đã vào được cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada… 

Bà Nguyễn Xuân Hải Yến chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm "chào hàng" với các nước nhập khẩu trên Alibaba.com

Theo bà Hải Yến, các sàn TMĐT đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm rất nhiều chi phí mà bình thường không thể làm được, không cần tham dự các triển lãm trên thế giới để “chào hàng” nhưng vẫn nhanh chóng có được khách hàng. “Chỉ cần một cái điện thoại hoặc laptop là tiếp cận được khách hàng, giảm được rất nhiều chi phí bán hàng, tồn kho, marketing…”, bà Hải Yến chia sẻ.  

Còn bà Bùi Hồng Hạnh, CEO Công ty Legendary Việt Nam cho biết, có 6 năm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ chocolate ở thị trường Việt Nam, bắt đầu mở rộng chinh phục thị trường xuất khẩu từ năm 2019 bằng việc đưa sản phẩm lên bán tại Alibaba.com. Sau 2 năm triển khai kênh TMĐT, hiện đã đạt 50 đơn/tháng xuất khẩu mặc dù xảy ra đại dịch. 

Theo bà Bùi Hồng Hạnh, các sàn TMĐT là nơi nhanh nhất để nhà sản xuất tương tác với khách hàng. Từ “feedback” của khách hàng, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, thay đổi nhà xưởng, xây dựng phòng lab kiểm tra tiêu chuẩn vi sinh, đổ tiền vào máy móc để giảm quá trình thủ công và nhân công trong sản xuất; đầu tư mạnh hơn cho marketing, quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh… 

Tại hội nghị, ông Ngô Văn Chinh, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, từ nhiều năm nay, sàn TMĐT Alibaba.com đã được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác làm nền tảng để đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng, khách hàng và các đối tác nhập khẩu ở nhiều nước trên thế giới. 

Ông Ngô Văn Chinh, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại)

Đầu năm 2021, Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com thuộc Tập đoàn Alibaba đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đưa hàng lên sàn TMĐT xuyên biên giới này, tăng cường xuất khẩu trực tuyến. 

“Đến nay, chúng tôi đã cùng Alibaba.com đào tạo nhân lực, kỹ năng cho hàng ngàn doanh nghiệp tại 30 địa phương trên cả nước có thể bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử này, qua đó hỗ trợ xuất khẩu ra khắp thế giới hiệu quả hơn”, ông Ngô Văn Chinh nói. 

Còn theo Giám đốc Alibaba.com tại Việt Nam Roger Lou, “top 10” ngành hàng – sản phẩm thu hút sự quan tâm của khách hàng trên nền tảng này đều là những ngành có lợi thế của Việt Nam như nông nghiệp, làm đẹp, chăm sóc cá nhân, nhà cửa, làm vườn, đồ uống, gia vị, hải sản… 

Theo ông Roger Lou, đại dịch Covid-19 càng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh TMĐT. Theo Sách trắng TMĐT năm 2020 thì dự báo đến năm 2025, có tới 85% giao dịch trên nền tảng số. 

Tin cùng chuyên mục