Các đoàn nghệ thuật của nhà nước cần bắt nhịp với thực tại cuộc sống

Ngày 30-8, trong khuôn khổ Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 2), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm “Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới”.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự có ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng lãnh đạo các đơn vị ca múa nhạc đợt 2 và một số đại diện đơn vị ca múa nhạc đợt 1.

Tại buổi tọa đàm, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDLcho biết, việc tổ chức buổi tọa đàm này cần thiết vì đây là cơ hội để tìm ra câu trả lời: Làm sao để ca múa nhạc có sức hút với công chúng; Sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật của các địa phương (sát nhập, giải thể...) cho phù hợp mà không làm mất đi giá trị riêng của từng loại hình nghệ thuật và đảm bảo công bằng cho nghệ sĩ của các đơn vị.
Các đoàn nghệ thuật của nhà nước cần bắt nhịp với thực tại cuộc sống ảnh 1 Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã chỉ ra vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của Liên hoan Ca Múa Nhạc cũng như các chương trình nghệ thuật truyền thống là các chương trình này chưa có sức hấp dẫn đối với người dân.
Nghệ sĩ Nhân dân Ứng Duy Thịnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho rằng: Mô hình hội diễn và liên hoan ca múa nhạc toàn quốc xuất hiện từ năm 60, 70 của thế kỷ trước và tồn tại trên 50 năm, nhưng mô hình đó hầu như không có gì thay đổi về nội dung định hướng cho các tác phẩm sáng tác.

“Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi tên họ của nó, thay đổi phương thức, thay đổi mô hình. Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp hay Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp có gì khác? Lịch sử đã thay đổi rất nhiều nhưng định hướng về nội dung sáng tác không hề thay đổi. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta nên thay đổi định hướng nội dung sáng tác. Ví dụ thời kỳ hội nhập thì vấn đề gì xã hội đang quan tâm -  đó có phải là đề tài cho các sáng tạo nghệ thuật mới hay không?" - ông Định nói.

"Các loại hình nghệ thuật cũng phải tựa vào nhau, để hun đúc ý tưởng lẫn nhau. Cần suy nghĩ về mô hình, phương thức tổ chức các cuộc thi này. Tất cả các hội diễn, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc nhằm mục đích đánh giá chất lượng nghệ thuật của từng nghệ sĩ, chất lượng hoạt động nghệ thuật của các đơn vị. Vậy nên chúng ta cần xem phương thức đó đã đánh giá một cách khách quan hay chưa? Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta càng đánh giá khách quan thì cuộc hành trình của chúng ta tốt hơn và chuẩn xác hơn. Tôi đề nghị nên xem xét có nên thay đổi hay không? Và thay đổi như thế nào về một mô hình tổ chức liên hoan ca múa nhạc? Rõ ràng xã hội đang phát triển, do đó làm thế nào để tính giải trí phải được đặt lên hàng đầu nhằm tăng sức hấp dẫn, mà sức hấp dẫn chính là bản chất của nghệ thuật,” ông Thịnh nói thêm. 

Các đoàn nghệ thuật của nhà nước cần bắt nhịp với thực tại cuộc sống ảnh 2 Nghệ sĩ nhân dân  Ứng Duy Thịnh phát biểu tại buổi tọa đàm
Ngoài ra, đề cập đến vấn đề thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, sát nhập các đơn vị nghệ thuật trên các địa phương, đại diện lãnh đạo của đoàn nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi có Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng, nhiều nghệ sĩ trong đoàn đã tự động nộp đơn xin nghỉ việc mặc dù chưa biết cụ thể thông tin quy định của Nghị quyết.

Được biết, năm 2018 là năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thực hiện Nghị quyết đang diễn ra và có tác động cơ bản đến các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, tác động trực tiếp đến cuộc sống, đến nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm của rất nhiều người làm nghệ thuật đang làm việc tại các đơn vị nghệ thuật công lập trên toàn quốc. Chính vì thế, Tọa đàm lần này để thảo luận các vấn đề: Tình hình sắp xếp tổ chức, bộ máy, hoạt động xây dựng chương trình, tiết mục và biểu diễn nghệ thuật Ca Múa Nhạc trong các đơn vị đã tiến hành sát nhập đầu mối với các Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh, thành phố thế nào?Định hướng hoạt động thời gian tới của các đơn vị này được hoạch định ra sao?

Đồng thời, xây dựng phong cách nghệ thuật riêng trong các đơn vị nghệ thuật công lập tại các tỉnh, thành. Giải quyết các vấn đề trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong xây dựng chương trình, tiết mục Ca, Múa, Nhạc tại các vùng, các tỉnh, thành...

Ngoài ra, tọa đàm còn nhằm tìm giải pháp cho vấn đề tiếp cận thị trường nghệ thuật Ca Múa Nhạc, Marketing nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật công lập trong bối cảnh hiện nay.

Tin cùng chuyên mục