Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà:

Các đô thị kém ứng phó với biến đổi khí hậu

Sáng nay, 16-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ còn phổ biến
Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ còn phổ biến

Trước phiên họp, Bộ trưởng đã gửi đến UBTVQH báo cáo trả lời chất vấn về “Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng (QHXD), kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị”.

 Người đứng đầu ngành Xây dựng cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh QHXD hiện đã tương đối đồng bộ và cơ bản đáp ứng yêu cầu điều chỉnh thống nhất các hoạt động lập và quản lý quy hoạch. Đến nay, đã có 2 Luật, 5 Nghị định, 8 Thông tư, 1 Quyết định ban hành Quy chuẩn trực tiếp hướng dẫn điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhiều QHXD đã bám sát với tình hình thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển; đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng các kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và hàng năm.

Hệ luỵ từ biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt

Tính đến hết tháng 5-2017, dân số đô thị toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37,0% (năm 1999 tỷ lệ này là 23,7%); mật độ dân số đô thị trung bình là 1.888 người/ km2. Tổng số đô thị cả nước là 805 đô thị (tăng thêm 8 đô thị loại V so với cuối năm 2016). Khu vực đô thị đang đóng góp trên 50% GDP, khoảng 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội thiếu trầm trọng... Do tác động của biến đổi khí hậu, các hệ lụy trên ngày càng gay gắt; nhất là ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM.

Nguồn lực cho phát triển tại các đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả. Việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Nhiều dự án đô thị mới có tỷ lệ sử dụng thấp, gây lãng phí đất đai và nguồn lực. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhận định, khả năng ứng phó với BĐKH của các đô thị chưa cao. Việc thực hiện các cam kết của quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính khó khăn...

Những kiến nghị đều đã giải đáp nhiều tháng trước

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, tại phiên họp thứ 13 của UBTVQH, các chất vấn được gửi đến Bộ Xây dựng chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề như xây dựng và hoàn thiện thể chế về QHXD, QHKT; tình trạng chậm triển khai di dời trụ sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ra ngoài khu vực nội thành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; những tồn tại, hạn chế trong quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng...

Vẫn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nội dung các kiến nghị chủ yếu liên quan đến hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và việc điều chỉnh Quy hoạch Xây dựng Vùng Thủ đô. Đến nay, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật này, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước của Ngành.

Riêng việc chậm triển khai di dời trụ sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ra ngoài khu vực nội thành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Xây dựng đã trả lời cử tri, đại biểu Quốc hội tại công văn số 240/BXD-QHKT ngày 15/2/2017 và công văn số 1331/BXD-QHKT ngày 13/6/2017.  Các công văn này đã cập nhật tình hình thực tiễn, nêu rõ các tồn tại, hạn chế trong triển khai di dời , trách nhiệm của các chủ thể liên quan và đề xuất các giải pháp, kiến nghị để khắc phục trong thời gian tới.

Tương tư, vấn đề tồn tại, hạn chế trong quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, Bộ cũng đã trả lời  từ tháng 2-2017.

Hiện tại, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang thực hiện tổng rà soát việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn cả nước; kiểm tra một số dự án bất động sản sử dụng nhiều đất và các hoạt động bất động sản. Sau khi có báo cáo chính thức Chính phủ về vấn đề này, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ có hình thức phù hợp để thông tin rộng rãi.

Đến nay đã có 16 đồ án QHXD vùng liên tỉnh (vùng kinh tế xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt QHXD vùng tỉnh (tương đương 63 Đồ án quy hoạch, 30% đang tổ chức lập điều chỉnh). 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt (tương đương 805 đồ án). Quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt trung bình khoảng 75%; Quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 35%; tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8.926 xã).

Tin cùng chuyên mục