Các địa phương sẵn sàng sơ tán dân tránh bão khi có yêu cầu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, chính quyền các địa phương không được chủ quan trong công tác ứng phó bão, cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức sơ tán dân khi có yêu cầu.

Sáng nay 22-11, tại văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh và thành phố để chỉ đạo các giải pháp ứng phó với cơn bão sắp đổ bộ - theo nhận định là vào khu vực Nam Trung bộ và ảnh hưởng cả Nam bộ. 

Báo cáo tại cuộc họp này, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết: Dự báo chiều tối ngày hôm nay (22-11), áp thấp nhiệt sẽ mạnh lên thành bão. Cơn bão càng gần bờ càng di chuyển chậm và càng có khả năng mạnh lên và mức độ nguy hiểm.

Dự báo, đêm 24-11 và ngày 25-11 bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận. Bão sẽ cập bờ với cường gió cấp 9-10, gió giật cấp 11-12. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Từ ngày 24 đến 26-11, Bắc Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ sẽ có mưa lớn trong khoảng trung bình 100-200mm. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng - Bình Thuận sẽ mưa rất to với lượng mưa 300-500mm, có nơi trong khu vực này lượng mưa có thể lên 600mm. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với các thành viên Ban chỉ đạo về tình hình cơn bão

Nhắc lại bài học kinh nghiệm về bão số 12 cuối năm 2017 đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân và các địa phương ở đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương không được chủ quan trong công tác ứng phó bão, cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức sơ tán dân khi có yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp sáng nay

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình phải rà soát lại các phương án ứng phó bão, cử đoàn công tác phối hợp các địa phương để đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình xây dựng.

Lực lượng vũ trang cần tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bão và mưa lũ hiệu quả. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an toàn, tính mạng tài sản của người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Đảm bảo an toàn các hồ chứa nhưng đồng thời cũng phải tính toán một cách khoa học, vận hành một cách phù hợp để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt mùa khô năm 2018-2019. 

Tin cùng chuyên mục