Các địa phương báo cáo ngay khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế

Bộ Y tế sẽ sớm làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ khó khăn về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men, vật tư y tế. Trường hợp thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân về Bộ Y tế trước ngày 22-6.

Ngày 20-6, trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số bệnh viện, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua báo cáo của các đơn vị địa phương cho thấy, việc thiếu thuốc chủ yếu là thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, thuốc y học cổ truyền, thuốc điều trị sốt xuất huyết.

Đối với trang thiết bị, vật tư y tế, việc thiếu hụt tập trung vào các trang thiết bị y tế chuyên sâu như: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu và hóa chất xét nghiệm.

Các địa phương báo cáo ngay khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ảnh 1 Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo ngay về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để tháo gỡ phần nào khó khăn cho các bệnh viện, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30-6-2022 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31-12-2022. Đồng thời cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, hiện có khoảng 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các đơn vị tra cứu, làm cơ sở mua bán trang thiết bị y tế theo quy định.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, bị động và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật; chậm thầu so với dự kiến do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc.

Cùng với đó là một số khó khăn do chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian và số lượng mua sắm.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ khó khăn về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men, vật tư y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện trực thuộc bộ; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế báo cáo về rà soát, xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh thành chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn và tại các đơn vị; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.

Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân về Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trước ngày 22-6. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc và vật tư y tế phải bảo đảm việc tồn trữ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để sẵn sàng cung ứng thuốc và vật tư y tế kịp thời, đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục