Các cường quốc thống nhất mở cửa lại nền kinh tế

Sau cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản) ngày 16-4 (giờ Mỹ), Nhà Trắng ra tuyên bố: Lãnh đạo nhóm G7 đã nhất trí phối hợp tái mở cửa các nền kinh tế của nhóm này sau đại dịch và đảm bảo “các chuỗi cung ứng đáng tin cậy” trong tương lai.
 Những cửa hàng đóng cửa ở Anh trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Những cửa hàng đóng cửa ở Anh trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Chuẩn bị các biện pháp cần thiết

Trong tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ: “Các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã giao cho các bộ trưởng mỗi nước chuẩn bị cho việc các nền kinh tế G7 mở cửa trở lại an toàn và tạo cơ sở để các nước G7 tái lập nhịp độ tăng trưởng cùng với các hệ thống y tế vững mạnh hơn, cùng các chuỗi cung ứng đáng tin cậy. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cũng công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ căn cứ vào các dữ liệu mới nhất. Theo đó, việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch Covid-19. Có nghĩa là không mở cửa đồng thời tất cả mà sẽ triển khai thận trọng từng bước tại từng thời điểm, và một số bang sẽ có thể mở cửa sớm hơn các bang khác. Không phải Nhà Trắng mà chính thống đốc các bang sẽ đảm nhiệm tiến trình này.

Chính phủ Mỹ ngày 16-4 cũng công bố đã mất tổng cộng 22 triệu việc làm kể từ giữa tháng 3-2020, do các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khiến các công ty, cửa hiệu, nhà hàng phải đóng cửa. Con số mới này đã nâng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên 8,2%. Tuy nhiên, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cảnh báo việc mở cửa kinh tế trở lại không có nghĩa là mọi thứ sẽ lập tức trở lại bình thường và điều quan trọng là phải tiếp tục ngăn ngừa dịch bệnh. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng, hướng dẫn mở cửa trở lại của Tổng thống Donald Trump là “mập mờ và bất nhất”.

Giải pháp của châu Âu

Nối lại hoạt động kinh tế một cách an toàn và sớm tái lập nhịp độ tăng trưởng là cam kết chủ chốt của lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến diễn ra ngày 17-4. Trước thềm cuộc họp,  Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone) sẽ giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu là khu vực được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Trước đó, trong cuộc thảo luận trực tuyến ngày 16-4, Bộ trưởng Thương mại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược của châu Âu bị sa sút do dịch bệnh, theo đó các bộ trưởng đã nhất trí phối hợp ngăn chặn những thương vụ chiếm đoạt quyền kiểm soát các doanh nghiệp này “nếu xuất hiện các mối đe dọa”.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Đức cũng công bố đã thông qua gói cứu trợ tài chính khoảng 8 tỷ EUR (8,7 tỷ USD), cho 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tự chủ. Ngày 16-4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ tạm thời hạ các quy định về vốn mà các ngân hàng thành viên phải dành riêng để ứng phó với các rủi ro trên thị trường sau khi ECB ghi nhận tình trạng bất ổn đặc biệt trên các thị trường tài chính.

Đối mặt với cuộc “khủng hoảng kép” cả y tế cộng đồng lẫn kinh tế, lãnh đạo G7 đã nhất trí phối hợp hành động, bao gồm cả đối phó với đại dịch và phục hồi kinh tế hậu Covid-19, trong đó có việc thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ việc làm và nền kinh tế khỏi tác động tiêu cực của dịch bệnh, triển khai các biện pháp tài chính và tiền tệ cần thiết để phục hồi lòng tin và tăng trưởng kinh tế nhằm bảo vệ việc làm, doanh nghiệp và khả năng phục hồi của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, ngoài những cam kết đạt được thì dường như G7 không đưa ra được kế hoạch chi tiết nào để hiện thực hóa cam kết. Trên thực tế thì hội nghị G7 chưa đưa ra được một chiến lược kích thích kinh tế có sự phối hợp chí ít là giữa các nước G7 với nhau, chứ chưa nói là toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục