Các bước để được dán eTag

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn với 2 nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. 
Đồ họa: NGỌC TRÂM
Đồ họa: NGỌC TRÂM

Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện tại 44 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH Thu phí tự động VETC là nhà cung cấp dịch vụ. Giai đoạn 2 là 33 trạm thu phí còn lại do Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) đầu tư. Mặc dù có 2 nhà cung cấp nhưng hệ thống vẫn được liên thông, nghĩa là chỉ cần dán 1 thẻ (eTag hoặc ePass) với 1 tài khoản giao thông (TKGT) của 1 trong 2 nhà cung cấp dịch vụ là phương tiện có thể lưu thông không dừng qua tất cả trạm trên toàn quốc. Việc dán thẻ lần đầu là miễn phí.

Đối với nhà cung cấp VETC, để mở TKGT và dán thẻ eTag, các chủ phương tiện có thể thực hiện tại một số trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc. Người dân cần liên hệ với đường dây nóng 19006010 để biết được mình gần trung tâm nào có dịch vụ dán thẻ eTag.

Khi mang xe đến đăng kiểm, chủ xe cần làm giấy đề nghị mở TKGT, xuất trình giấy đăng ký xe và giấy phép lái xe bản gốc, nhân viên sẽ hướng dẫn tải ứng dụng trên điện thoại thông minh, sau đó dán thẻ eTag trên kính trước xe. Việc mở TKGT và dán thẻ cũng được thực hiện tại các trạm thu phí có làn thu phí không dừng.

Khách hàng có trên 3 xe có thể liên hệ đường dây nóng để đơn vị cung cấp dịch vụ cử nhân viên đến tận nơi. Tại các điểm cung cấp dịch vụ, nhân viên cũng sẽ hướng dẫn chủ xe cách nạp tiền vào TKGT, ví dụ như nạp qua ứng dụng, chuyển khoản qua ngân hàng cho nhà cung cấp dịch vụ với nội dung là biển số xe hoặc số TKGT, nạp qua các ví điện tử. 

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng Giám đốc VETC, cho biết, hiện chỉ có khách hàng có thẻ cá nhân tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới liên thông với TKGT để tự động trừ tiền. Khách hàng cần trực tiếp đến các quầy giao dịch của BIDV trên toàn quốc và mang theo CMND để đăng ký dịch vụ. Sau đó, tiền từ tài khoản BIDV sẽ tự động chuyển vào TKGT theo hạn mức đăng ký của khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ đang làm việc với các ngân hàng khác để tạo thuận lợi cho chủ phương tiện. 

Đối với nhà cung cấp VDTC, việc mở TKGT và dán thẻ cũng yêu cầu các thủ tục tương tự như VETC.  Hiện nhà cung cấp dịch vụ này đã có giải pháp sử dụng ví điện tử kết nối với hơn 30 ngân hàng. Việc nạp tiền qua ví điện tử khá dễ dàng, khách hàng có thể tự thực hiện trên điện thoại di động theo từng bước hướng dẫn với số tiền phù hợp nhu cầu. Sắp tới, khách hàng có thể dán thẻ của VDTC tại các điểm dịch vụ đặt ở các trạm thu phí, cửa hàng Viettel và các cây xăng trên toàn quốc.

Về một số lỗi có thể gặp dẫn đến xe qua trạm thu phí không dừng nhưng barie không tự mở, nhà cung cấp dịch vụ cho biết, có thể do không đủ tiền trong tài khoản, có thể do ảnh hưởng của miếng dán phim cách nhiệt và biển báo bằng kim loại đặt trên kính xe khiến hệ thống không đọc được thẻ. Trong trường hợp xe đã dán thẻ nhưng không sử dụng và đã quên mật khẩu, chủ xe cần gọi điện đến đường dây nóng, cung cấp thông tin biển số xe, nhân viên tổng đài sẽ cung cấp lại mật khẩu và hướng dẫn cách sử dụng.

Tin cùng chuyên mục