Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng: Phải sống thật với chính mình

Ca sĩ, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng không phải cái tên quá đình đám của nhạc Việt nhưng lại được đánh giá là nhạc sĩ sáng tác có gu âm nhạc rất riêng. Cái riêng ấy xuất phát từ bản tính không ngại đối diện với khuyết điểm của bản thân, luôn đặt ra mục tiêu phải sống thật với chính mình trong âm nhạc...       
* PHÓNG VIÊN: Thắng vừa cho ra mắt ca khúc 30, đồng thời cũng là đồng tác giả của cuốn sách 1987 nói về thế hệ các bạn trẻ bước qua 30. Có sự trùng hợp hay cố ý nào không?
- Ca sĩ, nhạc sĩ PHẠM TOÀN THẮNG: Ca khúc 30 được tôi sáng tác vào thời điểm giao thừa năm 2016, khi mình nhận ra có rất nhiều thay đổi trong cuộc sống từ suy nghĩ, quan điểm sống, quan điểm làm nghề.
Trong khi đó, cuốn sách 1987 đến hoàn toàn tình cờ. Tôi quen chủ biên cuốn sách - Minh Ngọc từ cách đây gần 10 năm. Khi bạn lên ý tưởng thực hiện cuốn sách nói về thế hệ các bạn trẻ cùng độ tuổi, bạn có trao đổi và nói tôi viết một chương trong đó. Ban đầu, tôi cũng không tự tin lắm, nhưng sau khi bàn bạc để nêu ra chủ đề về âm nhạc trên các diễn đàn, tôi nhận lời ngay vì nó đúng sở trường và những gì mình đã trải qua. 
* Thắng đến với âm nhạc chắc chắn là một cơ duyên vì anh học Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, ra trường từng đi làm nhân viên văn phòng nhưng sau đó lại quyết định chuyên tâm cho âm nhạc nhiều hơn?
- Tôi nghĩ mình may mắn khi đã trải qua quãng đời sinh viên với đầy đủ những hỉ-nộ-ái-ố, những thăng trầm, khó khăn, chật vật đi làm nhiều nghề để kiếm sống..., chứ không phải của một người nổi tiếng.
Thời đó, tôi viết nhạc theo cảm xúc tự nhiên chứ chưa xác định sẽ đi con đường dài. Ngay cả khi ra trường, tôi cũng trở thành một nhân viên văn phòng. Tôi quan niệm sáng tác ca khúc vì vui và chọn âm nhạc cũng là để tìm niềm vui cho mình. Có lẽ bởi vậy, khi công việc văn phòng quá nhàm chán, tôi quyết định từ bỏ và dành toàn bộ thời gian cho âm nhạc.
Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng: Phải sống thật với chính mình ảnh 1 Ca sĩ, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng 
* Anh kể về những giai đoạn khó khăn mình đã trải qua, ở đó có sự choáng ngợp nào khi Phạm Toàn Thắng là chủ nhân của rất nhiều bản hit, giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ: Bài hát Việt, Cống hiến, Làn sóng xanh, Mai vàng...?
- Thực sự có những quãng thời gian tôi cảm thấy khủng hoảng. Thời điểm năm 2014-2015, khi có trong tay gần chục giải thưởng lớn nhỏ là giai đoạn nhiều áp lực. Điều này cũng dễ hiểu, vì mọi người dành quá nhiều sự kỳ vọng cho một cây viết trẻ như tôi.
Có những lúc tôi căng thẳng, lo sợ liệu bài hát mình viết ra có được đón nhận, sẽ bị đánh giá như thế nào. Tôi nghĩ, đó là thời điểm mình đã không đặt cảm xúc vào âm nhạc, mà viết thứ nhạc theo ý thích của mọi người nhiều hơn. Viết cái gì cũng phải đẹp đẽ, sâu sắc.
Nhưng, tôi tỉnh ra nhanh lắm, vì mình viết nhạc trước hết là cho mình. Tôi chấp nhận phụ sự kỳ vọng của người khác để được sống thật với chính mình. Con người tôi vốn không hoàn hảo và tôi cũng quan niệm âm nhạc không hoàn hảo.
Do vậy, tôi không còn đặt nặng sự trông đợi của mọi người và sẵn sàng bộc lộ ra những khiếm khuyết của bản thân. Tôi nghĩ, đó là cách để những người làm công việc sáng tạo được tiến bộ.  
* Ở phương diện này, nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực sẽ cho rằng Thắng biết cách sống cho bản thân, nhưng nếu tiêu cực hóa, thì đó là ích kỷ cá nhân, nhất là khi anh đã là người của công chúng?
- Tôi nhận thấy mọi người thường áp đặt người trẻ phải như thế nào. Khi chúng ta còn trẻ, ai cũng muốn được làm nhiều thứ và ngày nay, quan niệm “tốt khoe, xấu che” không hẳn lúc nào cũng đúng.
Tôi cho rằng, sống cho bản thân là dám đối diện với chính mình, sống thật với mình. Khi nhận ra những gì chưa tốt ở bản thân phải tìm cách khắc phục để ngày càng hoàn thiện hơn. Phải chịu trách nhiệm với những điều đó, chịu trách nhiệm với chính mình và gia đình.
Còn ở chiều ngược lại, nếu chỉ biết sống cho mình theo kiểu hưởng thụ, chỉ biết cho đi mà không nhận lại là ích kỷ. Sống cho bản thân cũng có nghĩa là chúng ta chỉ cần cho đi những gì người khác đang cần, đang thiếu. 
* Vậy Thắng của hơn 10 năm qua trong âm nhạc đã thay đổi như thế nào?
- Tôi vẫn thường nói, nếu muốn biết sự thay đổi của Phạm Toàn Thắng như thế nào thì chỉ cần nghe Cô bé mùa đông (năm 2004) và Chuyện của mùa đông (năm 2014). Mỗi ngày khi soi gương, có thể chúng ta sẽ ít nhận ra sự thay đổi của bản thân, nhiều khi còn không nhận ra vì mình là người trong cuộc.
Do đó, sự đánh giá của khán giả là khách quan nhất. Càng có thêm những trải nghiệm, nhân sinh quan của mình sẽ khác đi là điều tất yếu, mọi thứ đều được hiểu sâu sắc hơn, nhưng đổi lại, nhiệt huyết cũng sẽ giảm đi phần nào. Lúc này, cá tính là điều bạn dám thể hiện ra bên ngoài, được bộc lộ qua cách bạn nói chuyện, hành động, dù là nhỏ nhất, chứ không phải sự màu mè, phù phiếm.  
* Nhiều người sẽ nghĩ, anh có nhiều bản hit, chắc cuộc sống sung túc lắm?
- Tôi không viết nhạc theo dạng đặt hàng cho ca sĩ. Đó là những sáng tác tôi dành trước hết cho chính mình. Bài hát tôi viết ra, nếu thấy hợp với ai, tôi đưa họ hát hoặc được họ đề nghị xin hát. Hiện tại, thu nhập chính của tôi là viết nhạc cho các thương hiệu. 
* Anh vừa có sự kết hợp thành công cùng Hà Anh Tuấn, trước đó là nhiều ca sĩ khác. Sản phẩm của riêng anh đã được ấp ủ khá lâu, vậy khi nào mới hoàn thành?
- Mọi việc cơ bản vẫn đi theo lộ trình mà tôi đặt ra. Chỉ có điều, việc hòa âm, phối khí mất rất nhiều thời gian, tôi muốn làm cho đến khi nào thấy thỏa mãn. Album tự hát tự sáng tác lần này tôi muốn mang đến một âm nhạc kiểu mới, không giống như mọi người vẫn thường thấy, do vậy có thể nó hơi lâu so với kỳ vọng của khán giả.

Tin cùng chuyên mục