Cả nước ghi nhận hơn 300.000 người mắc sốt xuất huyết, nhiều ca nặng nhập viện muộn

So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết trong cả nước năm nay tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng rất cao đã khiến nhiều bệnh viện bị quá tải, với nhiều trường hợp bệnh nặng nguy hiểm.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 303.630 người mắc sốt xuất huyết (SXH) với 112 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp. Cùng với các tỉnh thành phía Nam đang là điểm nóng của mùa dịch SXH năm nay thì tại Hà Nội, số ca mắc SXH cũng đang tăng mạnh từng tuần, đến nay đã ghi nhận 12.059 ca mắc SXH (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong.

Cả nước ghi nhận hơn 300.000 người mắc sốt xuất huyết, nhiều ca nặng nhập viện muộn ảnh 1 Bệnh nhân SXH tăng rất cao đang khiến nhiều bệnh viện trong cả nước bị quá tải

Với số ca mắc SXH liên tục tăng cao đã khiến nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội bị quá tải, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển nặng, tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy thận. Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện có trên 100 bệnh nhân SXH nặng đang điều trị nội trú, đồng thời có từ 10- 20 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận từ 30-50 bệnh nhân SXH nặng nhập viện mỗi ngày. Trong khi đó, tại một số cơ sở y tế ở phía Nam cũng ghi nhận có nhiều bệnh nhân SXH nhập viện muộn và không có bảo hiểm y tế nên gặp khó khăn trong điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, SXH thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì. Từ ngày thứ 4 trở ra, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết.

Do bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Với các cá nhân khi có các biểu hiện sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Tin cùng chuyên mục