Cà Mau: Siết chặt phân lô bán nền trên đất nông nghiệp

Tỉnh Cà Mau đang siết chặt tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp và hẻm tự phát. Trong khi đó, nhiều gia đình có thu nhập thấp ở địa phương đang gặp khó về chỗ ở do địa phương chưa có nhiều dự án nhà ở xã hội phục vụ đối tượng thu nhập thấp.
UBND phường 1, TP Cà Mau, cưỡng chế nhà anh Phạm Duy Thanh xây dựng trong hẻm tự phát
UBND phường 1, TP Cà Mau, cưỡng chế nhà anh Phạm Duy Thanh xây dựng trong hẻm tự phát

Bức xúc về chỗ ở

Những ngày qua, ở khu vực tổ dân cư tự quản số 14 (đường Lý Văn Lâm, khóm 6, phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) trở nên xôn xao khi UBND phường 1 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ căn nhà của vợ chồng anh Phạm Duy Thanh. Đây là một trong hơn 40 căn nhà nằm trong con hẻm do chủ đất tự mở, phân lô, bán nền.

Vợ chồng anh Thanh là viên chức hợp đồng đang làm việc tại một đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau có hoàn cảnh khá khó khăn. Nhà có 6 thành viên, vợ chồng làm việc xa, 2 con nhỏ đang học và cha mẹ già mất sức lao động 70%, nên mua đất với giá rẻ, cất nhà ở gần bệnh viện để tiện bề chăm sóc. Trước khi xây dựng nhà cấp 4, anh Thanh có xin chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không được vì nằm trong hẻm tự phát. Do khó khăn về chỗ ở, nên anh Thanh đành cất nhà không phép. Nhưng việc này là sai và bị lập biên bản, UBND TP Cà Mau ra quyết định xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu.

Trả lời thắc mắc vì sao nhiều căn nhà trong hẻm xây dựng không phép mà chỉ cưỡng chế nhà anh Thanh, ông Lê Thái Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường 1, giải thích: “Nhà anh Thanh cất sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND TP Cà Mau về siết chặt quản lý cất nhà trái phép tại các hẻm tự phát. Do nhà xây dựng sau, nên chúng tôi tiến hành cưỡng chế, không cho phát sinh thêm. Còn những căn nhà xây dựng trước đây tạm thời cho tồn tại theo hiện trạng. Khi có quy hoạch mới xem xét các bước tiếp theo”.

Cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) là một trong những cửa biển lớn và nhộn nhịp nhất tỉnh Cà Mau, dân cư tập trung rất đông nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Vì vậy, thị trấn Sông Đốc cũng là “điểm nóng” về tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể như khu đất của ông Đinh Văn Toản (khóm 9, thị trấn Sông Đốc) được bơm đất san lấp mặt bằng, làm đường bê tông trên đất nuôi trồng thủy sản với chiều dài hơn 200m, tách khoảng 40 thửa đất rồi chuyển nhượng cho dân. Hiện nay, trong khu vực này đã có 2 căn nhà xây dụng không phép và vẫn đang tồn tại. Tương tự, tại khu vực khóm 10, bà Lại Thị Hoa bơm đất làm đường dài hàng trăm mét, rồi tiến hành phân lô bán nền…

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết công tác quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, gần đây với quyết tâm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương không để tình trạng cất nhà trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái phép tiếp diễn,  UBND thị trấn Sông Đốc đã quyết định cưỡng chế tháo dỡ căn nhà bà Nguyễn Thị Lan tại khóm 10 do cất nhà không phép trên đất chưa chuyển mục đích.

Số phận 70 hẻm tự mở sẽ về đâu?

Ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau cho biết, trên địa bàn có 70 hẻm tự mở, với hơn 1.500 căn nhà tự phát, không phép. Theo ông Vũ, nhiều gia đình có đất rộng, tự mở thêm lộ hẻm, phân lô bán nền cho người mua cất nhà. Một năm trở lại đây, UBND TP Cà Mau kiên quyết xử lý cất nhà trái phép, hẻm tự phát theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau, vì vậy tình trạng này đã giảm đáng kể.

Về giải pháp giải quyết tình trạng các hẻm tự phát, ông Hùng cho biết đang đẩy nhanh việc rà soát, đối chiếu quy hoạch nhằm cho phép các hẻm tự phát nào được tồn tại hoặc không đủ điều kiện tồn tại. Sau khi rà soát sẽ đưa ra các phương án xử lý phù hợp; đồng thời yêu cầu địa phương siết chặt quản lý, không để những hẻm tự phát, nhà không phép, không đúng quy hoạch… tiếp tục phát sinh.

Tin cùng chuyên mục