Cả đời gìn giữ câu hò

Nên duyên từ những đêm trăng đi diễn hò cửa đình và múa hát bài bông, cũng từ đó đôi vợ chồng, sau này thành đôi nghệ nhân Lương Tất Tố (78 tuổi) và Vũ Thị Xuyên (76 tuổi), đã gìn giữ và phát huy giá trị của làn điệu dân gian độc nhất vô nhị chỉ có ở làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

Giai điệu kết nối nam thanh nữ tú

Trong ngôi nhà đơn sơ của ông Tố được xây dựng năm 1930 là rất nhiều bằng khen của các cấp trao tặng hai ông bà, hầu hết đều liên quan đến hò cửa đình và múa hát bài bông, tiêu biểu nhất là danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân của ông và Nghệ nhân Ưu tú của bà.

Theo ông Tố, hò cửa đình và múa hát bài bông vốn là làn điệu thờ thánh, xuất hiện ở Phú Nhiêu vào khoảng thế kỷ 17-18, hò cửa đình do nam lĩnh xướng, bài bông do nữ múa hát và chỉ được diễn vào ngày rằm tháng 8 vì đây là ngày hội làng.

Ngay từ nhỏ, ông Tố đã được các cụ cao niên trong làng phát hiện ra tố chất hò vì có giọng khỏe, trong. “Cụ Lương Văn Khản, năm nay còn sống chắc cũng 120 tuổi là người trực tiếp hướng dẫn tôi hò và đào tạo tôi là người lĩnh xướng điệu hò mỗi khi làng đến hội, và từ năm tôi 40 tuổi đến nay, tôi là người lĩnh xướng trong tất cả những lần hội làng diễn ra”, ông Tố bồi hồi chia sẻ.

Ngồi nghe ông chia sẻ, bà Xuyên cũng gợi lại những kỷ niệm thời thanh xuân, lúc mà ông bà mới quen nhau ở những buổi tập. Người dạy múa bài bông cho bà Xuyên là cụ Nguyễn Thị Ga, năm nay còn sống thì cũng hơn 100 tuổi và cụ Vũ Thị Khiên, 79 tuổi (Nghệ nhân Nhân dân múa hát bài bông).

Cả đời gìn giữ câu hò ảnh 1 Tuy tuổi cao nhưng ông Tố, bà Xuyên hàng ngày vẫn ngâm nga câu hò điệu hát như món ăn tinh thần vô giá

Nam giới thì mặc áo the khăn xếp, tay gõ sênh; phụ nữ thì mặc áo mã tiên, mũ phượng, yếm diềm hạt vân và hai bên vai đeo đèn, vì vậy mà trông như các nàng tiên”, ông Tố tả về trang phục biểu diễn. Còn trong khi biểu diễn lại hết sức nghiêm trang, mỗi tốp khoảng 40 đến 50 người, hát hết cả bài thờ thánh 517 câu kéo dài hơn hai giờ. Vì vậy, đòi hỏi người hò, người múa phải có sức khỏe tốt, hơi dài, chân không bị mỏi và đặc biệt đối với hò tuyệt đối không được gõ nhầm phách và để rơi sênh, điều này sẽ làm mất đi tính tôn nghiêm của bài biểu diễn.

Câu hò có tính quần chúng cao, vì vậy mà hò cửa đình dễ kết nối cộng đồng và làm sâu sắc tình đoàn kết nhân dân như: “Nông thời cuốc nguyệt cày mây, sĩ thời học một biết mười, thương đi buôn bán đông tây…”. Ngoài ra, những tối tập, diễn đều thu hút đông nam thanh nữ tú trong làng, từ đó mà nên duyên với nhau như ông Tố - bà Xuyên.

“Suýt” đi vào quên lãng

Những năm trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, hò cửa đình và múa hát bài bông được phổ biến khắp làng, mỗi khi mở hội nhân dân trong vùng kéo đến xem đông kín. Nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh, đói nghèo mà những năm sau đó ít được biểu diễn, hội làng chỉ được tổ chức nhỏ với những phần nghi lễ bắt buộc. Mãi đến năm 1984, hò Phú Nhiêu mới lần đầu tiên được tổ chức thành đội và cử đi thi tại liên hoan văn nghệ các dân tộc và giành được giải nhất, khi đó ông Tố vừa tham gia hò vừa tham gia tổ chức (ông Tố là Trưởng ban Văn hóa xã Quang Trung).

Một bước ngoặt nữa đến vào năm 1997, khi dân làng xây dựng lại đình làng, đây được coi như “sân khấu” của hò cửa đình và múa hát bài bông. Ông Tố lặn lội đến từng nhà vận động quỹ để mua trang phục cho lớp trẻ học hát, cứ tối đến đình làng lại rực sáng ánh đèn. Nhận thấy các lớp học cần được tổ chức bài bản và phải thành một tổ chức để có thể lan tỏa làn điệu độc đáo, cụ Nghi, cụ Lộc, ông Tố, bà Khiên… đã đề xuất thành lập Câu lạc bộ Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu năm 2003, đánh dấu một sự chấn hưng rõ nét và sự lan tỏa của câu hò điệu hát độc nhất ở thôn Phú Nhiêu.

Năm 2007, hò cửa đình và múa hát bài bông tiếp tục được đi biểu diễn tại Liên hoan Dân ca toàn quốc, cả ông Tố và bà Xuyên đều tham gia trong đội và xuất sắc giành giải A1, sau sự kiện đó, nhiều học giả đã về Phú Nhiêu nghiên cứu, tìm hiểu, trong đó có GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lúc đó giáo sư nhận xét: “Hò cửa đình và múa hát bài bông là vàng ròng trong kho tàng dân ca, dân vũ Việt Nam”.

“Hò cửa đình hội làng ta/ Tinh hoa văn hóa ông cha truyền đời/ Ơn người giỏi đặt nên lời/ Khéo lồng nhịp phách tài khơi làn hò”. Lời hò trong hò cửa đình vốn là lời cổ được chép lại bằng chữ Nho, hiện bản gốc đang được câu lạc bộ lưu giữ. Bài hò cửa đình được chia làm 3 phần chính, gồm 517 câu chia thành bài giáo, bài hò và bài khóng. Bài giáo là phần mở đầu để chào; bài hò để tế thánh và chính là thành hoàng làng của Phú Nhiêu và ca ngợi quê hương đất nước; bài khóng thay cho lời chúc, ước nguyện của nhân dân. Theo ông Tố, hò cửa đình không có nhạc, vì vậy mà trong lúc hò phải tập trung tuyệt đối, không may quên lời sẽ không nhớ được đang đến đâu và lỗi nhịp ngay lập tức.

Tâm nguyện cuối đời

Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, hai vợ chồng ông Tố, bà Xuyên chỉ còn một tâm nguyện cuối cùng đó là trao truyền hết những kinh nghiệm hò cửa đình và múa hát bài bông cho lớp kế cận. Ông Tố bảo, ngày xưa cụ Khản truyền lại cho tôi, đến nay tôi cũng phải tìm người phù hợp để truyền lại, đó vừa là trách nhiệm vừa là báo đáp công lao với cụ Khản. May mắn thay, ông Tố đã tìm được ông Lê Văn Tâm, 60 tuổi - một người trong làng có giọng khỏe, vang và thành thạo hết các câu hò và có khả năng lĩnh xướng biểu diễn.

Bà Xuyên thì dễ hơn, vì múa dễ truyền lại cho các cháu gái, chỉ cần chịu khó và yêu điệu múa là có thể học được nên bà có rất nhiều học trò. Nói đoạn, bà đứng dậy múa thử cho chúng tôi xem, và quả thật, mục sở thị người nghệ nhân già vẫn uyển chuyển, dẻo quạt, chân nhịp bước, nét mặt khỏe khoắn trình diễn múa hát bài bông.

Suốt mấy chục năm qua, hai ông bà cùng sát cánh bên nhau trên “sân khấu”, điều đó càng làm cho tình nghĩa vợ chồng thêm sâu đậm. Những hôm hai ông bà đi dạy, đi diễn về muộn nhưng chẳng ai than phiền, đến các con cũng theo chân bố mẹ xem diễn đến khuya mới về mà quên cả ăn. Còn những lần ông Tố lặn lội đạp xe đi khắp các tổ chức văn hóa, doanh nghiệp để vận động quỹ thì không đếm xiết, được đồng nào, ông dồn vào mua trang phục, băng đĩa để ghi lại và mua hoa quả cho các cháu học hò, học hát.

Bản thân là chủ nhiệm câu lạc bộ 15 năm, nhưng chưa bao giờ ông Tố nhận khoản phụ cấp nào, tất cả đều làm vì trách nhiệm của người đi trước. Ngay cả phụ cấp nghệ nhân hàng tháng, hai ông bà đều không được nhận, lý do là hai ông bà đã có khoản phụ cấp cán bộ về hưu vượt quá mức tối thiểu, tuy vậy đôi nghệ nhân già chẳng bao giờ than vãn hay đòi thêm chút lợi nào cá nhân.

Nói về “đôi nghệ nhân già”, ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng thôn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu, cho biết: Hai vợ chồng ông Tố cả đời gắn bó với làn điệu của quê hương, cũng vì say mê và tinh thần trách nhiệm. Hiện nay, câu lạc bộ có trên 60 thành viên, hàng tuần vẫn sinh hoạt đều đặn. Đã có gần 20 lớp học do ông bà truyền dạy miễn phí, đến nay tuy sức khỏe đã yếu, nhưng ông bà vẫn tham gia câu lạc bộ với tư cách “cố vấn chuyên môn”.

Đời sống vật chất tuy thiếu thốn, hai ông bà hàng ngày vẫn đan lưới để có thu nhập, nhưng đời sống tinh thần thì vô cùng phong phú, niềm vui và nụ cười là điều dồi dào nhất ở đôi nghệ nhân già của thôn Phú Nhiêu. Mới đây bà Xuyên còn được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, ông Tố 55 năm tuổi Đảng, ông bà là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Tin cùng chuyên mục