Cá độ bóng đá, tung tin bịa đặt trên mạng vào đề thi quốc gia

Trưa 27-6, thí sinh trong cả nước đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) với 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân. Bài thi KHXH cũng là môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Kỳ thi năm nay, số thí sinh đăng ký thi KHXH còn nhiều hơn số thí sinh đăng ký thi bài thi khoa học tự nhiên.
Thí sinh tại điểm thi trường Tạ Quang Bửu, quận 8, TPHCM hoàn thành môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thí sinh tại điểm thi trường Tạ Quang Bửu, quận 8, TPHCM hoàn thành môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Môn Sử khó nhất

Nhận xét về đề thi tổ hợp KHXH, tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), nhiều thí sinh cho biết, đề Lịch sử hơi dài và khó; đề Địa lý tương đối dài; còn đề Giáo dục Công dân dễ và hay, là bài thi giúp thí sinh dễ kiếm điểm nhất.
Đáng chú ý, môn Giáo dục Công dân năm thứ 2 được đưa vào thi THPT quốc gia với vị trí là một môn thi thành phần của bài thi KHXH. Nội dung thi của môn này sát thực tiễn, đưa ra nhiều tình huống thực tế khiến thí sinh rất thích. Năm nay, các vấn đề như cá độ bóng đá, tung tin bịa đặt trên mạng.. được đưa đề Giáo dục Công dân.
Cụ thể, trong số các môn thi thành phần của bài thi KHXH, môn thi Lịch sử được các thí sinh nhận xét là môn khó nhất trong 3 môn thi tổ hợp KHXH. Đề thi có cả nội dung lớp 11 và 12. Phần lịch sử thế giới lớp 11 có 2 câu về nội dung, sự kiện lịch sử tiêu biểu tác động đến tình hình thế giới trong giai đoạn từ thế kỷ XIX đến năm 1945 như Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945).
Lịch sử Việt Nam lớp 11 có 6 câu đi sâu vào quá trình xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (1858 – 1884), song song với đó là quá trình kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.
Một trong những nội dung trọng tâm là đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam và quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Theo nhận xét của nhiều thí sinh, nhìn chung, 8 câu hỏi thuộc phần Lịch sử lớp 11 không quá khó đối với học sinh nếu đã nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, câu hỏi dừng lại ở mức độ vận dụng kiến thức.
Còn với phần lịch sử lớp 12, giống như đề thi THPT quốc gia năm 2017, phần kiến thức lớp 12 trong đề thi THPT quốc gia năm 2018 bám sát những vấn đề tiêu biểu của lịch sử thế giới hiện đại (1945 – 2000) và lịch sử Việt Nam (1919 – 2000). Trong đó trọng tâm nhất vẫn là giai đoạn 1945 – 1975 tương ứng với những phần kiến thức có nhiều vấn đề liên quan đến các chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp: chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ… và các chiến lược chiến tranh của Mỹ và cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Một số câu hỏi mang tính phân hóa nhận xét chung về đặc điểm từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn 1945 – 1975 và 1954 – 1975. Giai đoạn 1975 – 2000 chỉ chiếm 2 câu trong đề thi, đều đề cập về công cuộc đổi mới.
Cá độ bóng đá, tung tin bịa đặt trên mạng vào đề thi quốc gia ảnh 1 Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo nhận xét của cô giáo dạy sử Lê Thu (Hà Nội), mức độ vận dụng và vận dụng cao chủ yếu tập trung vào phần kiến thức này, yêu cầu học sinh cần bình tĩnh, huy động mọi kiến thức đã có để tìm ra đáp án chính xác nhất. Đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2018 được xây dựng theo ma trận đề hợp lý, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm nhất. Nội dung kiến thức phổ rộng và tương đối khó hơn hơn cho học sinh so với đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2017.

Nhiều câu hỏi về biển đảo

Cũng theo nhiều thí sinh, đề thi Địa lý “dễ thở” hơn so với môn Lịch sử. Đề thi môn Địa lý hấp dẫn các em khi đề có nói đến vấn đề mang tính thời sự là vấn đề biển đảo của Tổ quốc và các nhân tố để phát triển du lịch biển đảo Việt Nam.

Nhận xét về đề Địa lý, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết, phần kiến thức Địa lý lớp 11 chiếm 15%, 6 câu/ 40 câu trắc nghiệm. Phần kiến thức Địa lý lớp 12 chiếm 47,5%, 19 câu/40 câu trắc nghiệm. Phần thực hành 15 câu, trong đó sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam 11 câu, biểu đồ và bảng số liệu 4 câu, chiếm 37,5% số câu… Đề thi gồm 4 mức độ: nhận biết 18 câu, thông hiểu 12 câu, vận dụng thấp 6 câu, vận dụng cao 4 câu.

“Học sinh thi chỉ có mục đích xét tốt nghiệp THPT quốc gia có thể làm được khoảng 5,5 điểm. Học sinh khá/ giỏi có thể đạt  từ 8-9 điểm”, thầy Nam nói.

Theo thầy Vũ Hải Nam, nội dung đề thi bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT, phạm vi phủ rộng khắp các chuyên đề theo đề thi minh họa của Bộ. Nội dung đề thi chia thành 2 phần kiến thức và thực hành kỹ năng Địa lý. Tuy nhiên đề có độ khó cao hơn đề minh họa Bộ đã công bố. Đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Mức độ khó có tăng hơn so với đề năm 2017. Các câu hỏi cuối của đề thi yêu cầu thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi mới có thể đưa ra được phương án trả lời đúng nhất. Số lượng câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn so với năm 2017.

“Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, 20 câu đầu phù hợp với các thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, học sinh lấy điểm xét đại học cần làm tốt các câu sau. Các câu hỏi cuối đòi hỏi thí sinh cần có tư duy phản biện và hiểu rất rõ bản chất vấn đề. Tuy nhiên, nội dung vẫn không nằm ngoài chương trình thi. Nhìn chung, đề có sự phân hóa cao với các đối tượng học sinh theo mục đích xét tuyển. Để đạt điểm trung bình khá dễ  song để đạt được điểm tuyệt đối môn Địa và điểm cao sẽ ít hơn năm 2017. Một số đáp án trả lời còn dễ gây nhầm lẫn và khó lựa cho thí sinh”, thầy Nam nhận xét.

Cá độ bóng đá, tung tin bịa đặt trên mạng vào đề thi quốc gia ảnh 2 Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG
NHẬN XÉT ĐỀ THI ĐỊA LÝ -  MÃ ĐỀ 302 THPT QUỐC GIA 2018
- Đề thi Địa lý THPT Quốc Gia 2018 có nội dung sát với đề thi tham khảo từ Bộ GD-ĐT. 
-  Đề thi có 40 câu. Trong đó có 8 câu thuộc chương trình Địa lý lớp 11 (trong đó có 2 câu thuộc phần thực hành vận dụng kỹ năng là câu 55 và câu 67). 32 câu còn lại bao quát được chương trình Địa lý lớp 12. Trong đó phần thực hành kỹ năng có 15 câu: 11 câu thuộc phần sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, 2 câu thực hành phân tích bảng số liệu, 2 câu thực hành kỹ năng với biểu đồ.
- Đề thi cũng có những câu mang tính thời sự như câu 68 nói về du lịch biển đảo, câu 69 nói về tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. 
- Phần kỹ năng thực hành chỉ dừng ở mức độ nhận biết và tính vận dụng tính toán chưa cao.
- Dự đoán học sinh trung bình hoàn toàn có thể đạt 5 – 6 điểm dễ dàng, học sinh khá giỏi có thể đạt 7 – 8 điểm, số lượng thí sinh đạt 9 – 10 điểm có thể cao hơn mọi năm.
ĐẶNG CHIẾU HUYỀN -Trường THPT Vĩnh Viễn THPCM

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, sau khi thí sinh thi xong, các Hội đồng thi phải thực hiện ngay công tác chấm thi theo quy định và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 11-7-2018.

Chậm nhất ngày 15-7-2018, các sở GD-ĐT phải cập nhật danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT vào phần mềm quản lý thí.

Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 17-7-2018.

Tin cùng chuyên mục