Buông lỏng quản lý cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ

Thời gian qua, các vụ tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ chui, vượt danh mục cấp phép liên tiếp xảy ra, đã gióng hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trong lĩnh vực này. 
Làm đẹp vượt phép
Mới đây, ông Edward Hartley (54 tuổi, quốc tịch Mỹ) đã tử vong sau khi cắt mỡ thừa vùng lưng, hông tại Thẩm mỹ viện (TMV) Việt Thành trên đường Sư Vạn Hạnh (quận10, TPHCM). Cơ sở này đã thực hiện một kỹ thuật ngoài danh mục cho phép. Một vụ việc khác cũng gây xôn xao dư luận đang được Sở Y tế TPHCM phối hợp các lực lượng chức năng điều tra làm rõ: Một thai phụ 22 tuổi (tạm trú huyện Hóc Môn) bị tử vong sau gần một tháng phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Vạn Hạnh (quận 10). Khi được cấp cứu tại BV Nhân dân 115, các bác sĩ cho biết bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng hậu phẫu. 
Đây là 2 trường hợp tử vong gần nhất đến từ các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, khiến dư luận không khỏi lo lắng. Theo PGS-TS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ của BV Chợ Rẫy, hút mỡ bụng là kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nhân viên y tế phải trải qua 54 tháng đào tạo chuyên khoa mới được phép thực hiện ca mổ; phẫu thuật nâng ngực cũng tương tự, cần phải gây mê nội khí quản, kiểm tra, thực hiện nhiều xét nghiệm quan trọng… Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều bác sĩ vẫn thực hiện những kỹ thuật khó nói trên, dù chưa có chứng chỉ hành nghề và chuyên môn đúng quy định.
“Trong chứng chỉ hành nghề ghi rất rõ danh mục kỹ thuật nằm ở vị trí nào, phạm vi hoạt động chỗ nào. Muốn hành nghề thì phải chứng minh được đã đi thực hành ít nhất là 30 ca mổ ngực, 30 ca hút mỡ bụng thì mới được. Không phải cứ có chứng chỉ một chuyên ngành thì cũng đi phẫu thuật chuyên ngành khác được”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh. 
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM, các phòng khám đa khoa, TMV xuất hiện ngày càng dày đặc, đã tạo áp lực không nhỏ đối với ngành y tế.
Buông lỏng quản lý cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ảnh 1 Khách hàng làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ  (ảnh chỉ có tính minh họat
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, sau khi cấp phép hoạt động cho các đơn vị, chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ, Sở Y tế sẽ thực hiện hậu kiểm. Tuy nhiên, cái khó trong công tác thanh tra là trước khi đi phải thông báo bằng văn bản cho các cơ sở này, theo Luật Doanh nghiệp. Trừ khi phát hiện có hành vi vi phạm hoặc nhận được phản ánh, tố cáo, lập đoàn thanh tra đột xuất thì mới vào được đơn vị.
“Việc phát hiện các phòng khám thực hiện kỹ thuật ngoài danh mục được cấp phép là không dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều. Nếu các đơn vị này cố tình đối phó thì rất khó để có thể phát hiện sai phạm”, bà Mai cho biết.
Quản lý chưa nghiêm 
Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động các TMV, địa phương là đơn vị trực tiếp thực hiện đối với các cơ sở trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động của ngành y tế địa phương đang tồn tại nhiều bất cập khi lực lượng chuyên trách quá mỏng, việc thanh tra, kiểm tra gặp khá nhiều khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Phó Trưởng phòng Y tế quận10 - địa bàn vừa xảy ra 2 ca tử vong nói trên, cho rằng do lực lượng mỏng nên vấn đề quản lý địa bàn chủ yếu thông qua hệ thống y tế cơ sở và sự hỗ trợ của chính quyền phường. Thời gian tới, Phòng Y tế quận 10 sẽ phối hợp UBND các phường tăng cường rà soát nắm lại tình hình hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ, cũng như việc quảng cáo quá chức năng cho phép để ngăn chặn và xử lý vi phạm. 
Còn theo luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc điều hành Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc vượt quá phạm vi cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu - 40 triệu đồng (trừ trường hợp cấp cứu). Các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc vượt ngoài phạm vi được cấp phép hoạt động có thể bị phạt đến 70 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, còn phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bồi đắp tinh thần cho người thiệt hại. Tuy nhiên, mức chế tài này dường như chưa đủ sức răn đe các cơ sở sai phạm. Vì vậy, ngoài việc tăng cường giám sát, đào tạo tập huấn, tuyên truyền về tuân thủ quy định pháp luật cho các cơ sở TMV, spa, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, thì việc gia tăng mức phạt, hình phạt là điều cần thiết.
Hiện nay, hoạt động của các TMV có tình trạng đồng - thau lẫn lộn, bát nháo. Người dân thì lại dễ dàng tin vào quảng cáo, không biết rằng việc mở những cơ sở này rất dễ. Người kinh doanh chỉ cần đến phòng kinh tế quận, huyện đăng ký và trong vòng 24 giờ sẽ được cấp phép; vốn điều lệ chỉ vài chục triệu đồng; không phải thẩm định cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn… Sau đó, nhiều cơ sở dạng này không dừng lại ở việc chăm sóc, làm đẹp da, mà tự ý thực hiện mổ xẻ cơ thể khách hàng, gây ra những tai biến để lại hậu quả nghiêm trọng, khó phục hồi.
PGS-TS ĐỖ QUANG HÙNG 

Tin cùng chuyên mục