Buồn cho thơ

Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm, vừa được trao giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ, đã hứng chịu sự phản ứng gay gắt của độc giả. Trên các diễn đàn, bài thơ trở thành tâm điểm của dư luận với không ít lời chê bai là “bài thơ dở nhất nước”; song cũng ở những diễn đàn đó, có ý kiến khác lại cho rằng, Mẹ tôi chửi kẻ trộm là tác phẩm có tình thơ chân thành, dung dị, mang ý nghĩa nhân văn. 

Phải thấy rằng từ xưa đến nay, tại bất cứ cuộc thi nào liên quan đến sáng tác, tác phẩm đoạt giải thường phải chịu nhiều “điều tiếng” khen chê. Với văn chương thì điều này lại càng phổ biến hơn bởi chẳng có chuẩn nào được đưa ra để chấm, đặc biệt với thơ lại càng không.

Vì vậy mà việc chẳng mấy ai phục ai trong… làm thơ cũng không phải là điều gì lạ. Ngay cả đến những giải văn học tầm thế giới như Nobel, mỗi tác phẩm được trao tặng cũng đều ngay lập tức nảy ra những cuộc tranh cãi nảy lửa.

Một nguyên nhân khác cũng dễ thấy là thơ gần gũi quá, phổ cập quá. Bất cứ ai cũng có thể ghép vần để xướng lên vài câu và vui với điều đó dù đó chỉ là thơ con cóc, thơ “bán thuốc dạo”…

Bởi ai cũng có sẵn một tâm hồn thơ, một “nhà thơ” ẩn khuất trong mình nên khi gặp một bài thơ “lạ” chẳng có vần, cũng không thấy nhạc điệu… thì tất nhiên họ có quyền để bàn, để bình, phân tích và mổ xẻ. Họa sĩ, nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà thơ chuyên nghiệp hay những nhà thơ dạng câu lạc bộ… có người chửi bằng cái tâm của người làm nghề, có người chửi vì cảm nhận của đám đông. 

Cái quan niệm thơ là phải có vần, “thơ không vần như quần không áo”, song vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ đâu chỉ có ở hình thức mà còn ở tinh thần thơ, ở tư tưởng mà thơ chuyển tải. Thơ có nội dung thì hẳn là quý rồi nhưng thơ cũng là một tác phẩm nghệ thuật và cái đích cuối cùng vẫn là sự đón nhận của công chúng. Bởi thế, nếu đem duy nhất tiêu chí “nhân văn” mà biện hộ cho thơ thì đúng là quá cảm tính.

Ở góc nhìn khác, cũng dễ nhận thấy có sự “chênh” về phông văn hóa giữa người sáng tác và người đọc, giữa ban giám khảo và công chúng. Với người là đồng bào dân tộc thiểu số, cách thể hiện và sử dụng ngôn ngữ, con chữ tiếng Việt thường không giống với đại bộ phận người Kinh. Như tác giả Cầm Vĩnh Ui trong bài Nhớ vợ cũng có viết: “Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin được về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/Có con sông Nậm Rốm…”. Mỗi câu như một lời kể, chân chất nhưng lại rất tình.

Nhưng thôi, cảm nhận về nghệ thuật của mỗi người là không giống nhau, và cảm nhận về thơ lại càng khác, song từ cuộc tranh luận ồn ào này cũng cho thấy có sự phân hóa quá rõ trong thưởng thức nghệ thuật. Phải chăng, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc thơ ca nở rộ - người người làm thơ, in thơ và tự nhận mình là nhà thơ, trong khi văn chương nước nhà đã quá lâu chưa có những nhà thơ đích thực với những tác phẩm xứng đáng dành cho người yêu nghệ thuật. Có lẽ, cũng chính bởi vàng thau lẫn lộn nên giải thưởng vừa rồi cũng chỉ là một cái cớ, một giọt nước tràn ly để trút giận vào thơ.

Song có một điều đơn giản có thể nhìn thấy là cuộc thi đã không thu hút được những tác phẩm tốt, những tác giả xuất sắc, bởi vậy giải thưởng được trao cho “cái tốt nhất trong những cái dở”. Và phải chăng đây cũng là một tín hiệu cho thấy thi ca đang rời xa công chúng hay là dấu hiệu sự xuống dốc của thi ca?

Tin cùng chuyên mục