Bươn chải làm thêm cuối năm

Để có một cái tết đầy đủ và ấm áp hơn, sau giờ làm việc tại các công ty, xí nghiệp, nhiều công nhân, người lao động phải bươn chải làm thêm: tăng ca, tìm việc làm bán thời gian, chạy xe ôm công nghệ... 
Người lao động mưu sinh dịp cuối năm
Người lao động mưu sinh dịp cuối năm

Dịp cuối năm, nhiều khoản chi phí phát sinh, hàng hóa, dịch vụ đều đồng loạt tăng giá cao hơn so với mọi năm, trong khi đó, tiền lương công nhân khá eo hẹp. Chị Trần Thị Hằng (30 tuổi, công nhân một công ty may tại quận Bình Tân, TPHCM), cho biết chị làm công nhân được 2 năm, nhưng công ty cho tăng ca ít nên thu nhập rất thấp, không đủ chi phí sinh hoạt.

Do vậy, ngoài giờ làm việc tại xưởng, chị còn làm thêm ở một cửa hàng kinh doanh quần áo. “Tháng nào tăng ca nhiều thì thu nhâp khoảng 7 triệu đồng, còn không thì chỉ được 5 triệu đồng. Với chi phí như vậy chỉ đủ sống chứ không có dư. Tôi phải xin làm thêm ở một cửa hàng bán quần áo, từ 19 giờ đến 23 giờ khuya, mỗi tháng kiếm thêm khoảng 3,5 triệu đồng.  Dịp tết có rất nhiều thứ để chi nên có được công việc bán thời gian với thu nhập tạm ổn là vui rồi. Vì vậy, mệt mấy tôi cũng làm”, chị Hằng nói.  

Cùng cảnh ngộ, anh Phan Thanh Hải (38 tuổi, công nhân cơ khí tại quận Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Hai vợ chồng tôi quê ở Quảng Nam, đều vào TPHCM làm công nhân, thu nhập khá thấp; cả năm làm việc, nhưng không dành dụm được đồng nào. Thời gian gần đây, tôi phải chạy thêm grab bike để kiếm thêm thu nhập, còn vợ ở nhà chăm con buôn bán thêm mỹ phẩm. Nghề chạy xe ôm công nghệ cũng rất thoải mái, rảnh là mở ứng dụng để nhận khách, còn nếu mệt thì nghỉ; trung bình mỗi tháng cũng kiếm thêm được khoảng 2,5 triệu đồng, có một khoản chi phí để mua vé tàu xe dịp tết”.

Vì công việc mưu sinh, không ít công nhân, người lao động đang sinh sống, làm việc ở các thành phố lớn không thể có một cái tết trọn vẹn. Họ đành chấp nhận xa quê, xa gia đình, ở lại thành phố đón tết hoặc làm thêm; bởi chi phí cho chuyến đi quá đắt đỏ. Trong căn phòng trọ rộng chừng 20m2 ở đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TPHCM) chị Ngô Thị Thu Hồng (30 tuổi, quê ở Quảng Bình), tâm sự: “Hai vợ chồng tôi vào TPHCM làm nghề phụ hồ xây dựng, nay đây mai đó, không ở cố định một chỗ, đã 3 năm nay chưa về quê đón tết cùng gia đình. Nhìn người ta mua vé tàu về nhà đón tết, tôi cũng thèm lắm. Nhưng chỉ tính riêng tiền vé tàu về Quảng Bình của hai vợ chồng cũng ngót nghét gần 10 triệu đồng, chưa kể tiền quà cáp cho gia đình, người thân. Vì vậy, mấy năm nay, 2 vợ chồng quyết định ở lại TPHCM đón tết, tranh thủ ngày nghỉ, ai thuê gì mình làm nấy; sau tết nếu có thời gian thì về thăm nhà, còn nếu không thì gửi ít tiền về cho ba mẹ”.

Mời nhận nhuận bút

Kính mời các cộng tác viên, bạn đọc đã có tin, bài, ảnh đăng trên báo SGGP từ đầu năm 2019 đến nay chưa nhận nhuận bút, nhuận ảnh, vui lòng đến nhận tại trụ sở Báo SGGP 432-434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM. Các cộng tác viên, bạn đọc ở các tỉnh - thành khác, xin liên hệ qua điện thoại 0909830778 gặp cô Tâm. Chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được tin, bài, ảnh của các cộng tác viên, bạn đọc gửi cộng tác với Báo SGGP. 

                                                                                      BAN CTBĐ-CTXH BÁO SGGP

Tin cùng chuyên mục