Bước tiến mới về phòng chống lừa đảo qua mạng

Theo tờ Bangkok Post, bắt đầu từ ngày 27-1, Tòa dân sự Thái Lan mở một bộ phận chuyên tiếp nhận và thụ lý các vụ án lừa đảo qua mạng. Đây được coi là bước tiến lớn trong công cuộc phòng chống nạn lừa đảo qua Internet và các mạng xã hội, vốn đang gia tăng chóng mặt do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
 Lừa đảo qua mạng (ảnh minh họa)
Lừa đảo qua mạng (ảnh minh họa)

Người phát ngôn của Sở Tư pháp, Sorawis Limparangsi, cho biết, bộ phận trực tuyến cung cấp một kênh để các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng nộp đơn kiện thông qua hệ thống đơn điện tử miễn phí. Các nạn nhân có thể bắt đầu nộp đơn từ ngày 27-1.

Ông Sorawis còn cho biết, Sở Tư pháp sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cơ quan Phát triển giao dịch điện tử, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Cục Thực thi pháp luật của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Hội Người tiêu dùng Thái Lan để trao đổi thông tin bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số Thái Lan, mỗi tháng đường dây nóng của họ nhận được khoảng 2.000 khiếu nại từ người tiêu dùng về gian lận trực tuyến. Các kênh xảy ra lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất là Facebook và Instagram.

Trưởng phòng Chống tội phạm (CSD), Đại tá Jirabhop Bhuridej, nhận định, thời gian qua đã có nhiều thay đổi đáng kể trong mô hình tội phạm, và tội phạm cũng đã bắt đầu thay đổi hoạt động. Đặc biệt, các hình thức lừa đảo trực tuyến khác nhau đã trở nên rầm rộ hơn trong mùa dịch bệnh, bao gồm lừa đảo đầu tư và công việc cũng như trộm cắp danh tính. Cảnh sát phải hợp tác với các cơ quan hữu quan để bắt giữ nghi phạm, nhưng đôi khi chúng không sống ở Thái Lan.

Điều này buộc cảnh sát phải tham gia làm việc trực tuyến để ngăn chặn tội phạm. Thống kê của CSD cho thấy, năm ngoái Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.712 vụ án hình sự, bao gồm 553 vụ lừa đảo và 116 vụ tội phạm xuyên quốc gia. CSD cũng đã tiến hành giám sát tội phạm thông qua các trang mạng xã hội. Đường dây nóng 1195 của CSD tiếp nhận cuộc gọi về các hoạt động tội phạm bị nghi ngờ.

Trong khi đó, Đại tá Phongnakhon Nakhonsanti thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP) tiết lộ, RTP đã phối hợp với CSD để điều chỉnh công việc, nhằm giúp hoạt động trấn áp tội phạm có hiệu quả hơn: “Mỗi trụ sở cảnh sát mở một phòng hoạt động công nghệ cao, nơi người đứng đầu một đơn vị tuần tra có thể truy cập các cảnh quay trực tiếp từ tất cả camera an ninh trong phạm vi quyền hạn của họ và hơn thế nữa. Tất cả các đồn cảnh sát được yêu cầu đào tạo nhân viên, cán bộ sử dụng thành thạo công nghệ và hỗ trợ điều tra tội phạm”.

Cũng theo Đại tá Phongnakhon Nakhonsanti, các ngân hàng và các tổ chức tài chính đang trở thành mục tiêu hàng đầu của tội phạm công nghệ cao. Thông tin khách hàng lưu trên cơ sở dữ liệu của các công ty cũng dễ bị tấn công. Các tin tặc muốn dữ liệu này cho mục đích kinh doanh của chúng. Chúng cũng cố gắng đánh cắp dữ liệu từ hầu hết các cơ quan nhà nước và điều này đang xảy ra mỗi ngày.

Khiếu nại lừa đảo qua mạng ở Thái Lan tăng 29% so với năm 2020. Hầu hết các khiếu nại (82,4%) liên quan đến các giao dịch trên Facebook, tiếp theo là 4,6% giao dịch tại các trang web nói chung và 4,3% trên Instagram.

Các khiếu nại hàng đầu là: Người bán không gửi sản phẩm sau khi được thanh toán, quảng cáo sai, người mua nhận được sản phẩm giả, lừa trúng thưởng trực tuyến…

Những kẻ lừa đảo trực tuyến có thể phải đối mặt với bản án 5 năm tù giam hoặc 100.000 baht (khoảng 3.000USD) tiền phạt theo Luật An ninh mạng mới công bố năm 2020.

Tin cùng chuyên mục