Bước tiến mới của sách nói

Theo khảo sát của We Are Social, tại thị trường Việt Nam đã có gần 30 triệu người có thói quen nghe Audio Contents (sách nói, podcast, radio) qua mạng. Đây là số lượng không nhỏ, vậy nên, các đơn vị sản xuất sách nói hiện nay không ngần ngại đầu tư cho sản phẩm của mình. Một trong những bước tiến đáng kể của sách nói chính là đã theo kịp với sách giấy, đủ sức đáp ứng nhu cầu người dùng. 

Gió đã xoay chiều 

Ra mắt từ cuối năm 2019, ứng dụng sách nói Voiz FM đã có hơn 1 triệu lượt tải, với khoảng 100.000 người dùng tích cực mỗi tháng. Năm 2021, ứng dụng này đã đạt mốc tăng trưởng gấp 50 lần, với gần 2.000 nội dung chất lượng cao, có bản quyền. Theo sau là ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos.

Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội, nhưng ứng dụng này vẫn tăng trưởng doanh thu gấp 5 lần. Số lượng người dùng ứng dụng đã đạt gần 400.000 người.

Bước tiến mới của sách nói ảnh 1 Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa ký kết, chuyển giao toàn bộ tác phẩm của mình cho Voiz FM để thực hiện sách nói

Cả Voiz FM và Fonos hiện trở thành đối tác chiến lược của nhiều đơn vị xuất bản lớn trong nước như: NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, Alpha Books, Nhã Nam, Thái Hà Books… Đặc biệt, sau thời gian sản xuất ở thế “bị động”, nghĩa là thị trường có sách gì thì hai ứng dụng này hợp tác và thu lại cuốn sách đó thành sách nói, gần đây, sách nói được ra mắt cùng thời điểm với sách giấy.

Bằng việc hợp tác với First News, Voiz FM liên tục ra mắt những ấn phẩm cùng thời điểm với sách giấy như Muôn kiếp nhân sinh (Nguyên Phong), Linh ứng (Nguyễn Mạnh Tuấn), Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách (Chung Ju-yung, Phạm Hồng Phương dịch), Miền đất hứa (Barack Obama, Đỗ Hùng dịch)…

Cũng như vậy, người dùng của Fonos đã có thể nghe Đại dương đen (Đặng Hoàng Giang), 6 bước tự xuất bản một cuốn sách (Nguyễn Tuấn Anh), Mẹ chồng (Kim) cùng thời điểm với những độc giả của sách giấy. Trên Fonos, nhiều cuốn sách thuộc hàng nổi bật và bán chạy như: Sapines: Lược sử loài người, 21 bài học cho thế kỷ 21, Việt Nam sử lược… cũng có mặt. 

Theo chia sẻ của anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Điều hành Voiz FM, gần đây tỷ lệ sách mới ra đồng thời với sách giấy tăng lên khá nhiều. Nếu lấy năm 2021 so với 2020, tỷ lệ này tăng khoảng 5 lần, thậm chí có một số đơn vị cũng chủ động đề xuất ra mắt cùng lúc với sách giấy.

Anh nói: “Lý do lớn nhất vẫn là để phục vụ người dùng. Vì thực ra, hai sản phẩm sách giấy và sách nói phục vụ cho hai đối tượng khác nhau. Rõ ràng, có những đối tượng họ không có thời gian để đọc sách giấy; khi một cuốn sách nào đó rất nổi tiếng, rất hay được ra mắt nhưng tại thời điểm đó lại không sách nói. Điều này, dẫn đến việc một lượng người dùng không được phục vụ”. 

Là đối tác của Voiz FM lẫn Fonos, Giám đốc bản quyền của Nhã Nam Nguyễn Xuân Minh đánh giá cao sự năng động của các đơn vị làm sách nói. “Hai đơn vị này đã đầu tư rất nhiều vào ứng dụng, vào bản quyền, cũng muốn có sự mới mẻ cho những người dùng của mình. Thay vì chỉ có những quyển cũ, họ cũng muốn đưa đến những quyển mới, gần như là cùng thời điểm phát hành với sách giấy. Đây là sự năng động rất đáng ghi nhận”, ông Nguyễn Xuân Minh cho biết.

Không sợ “đụng” nhau 

Sau thời gian chuẩn bị, đầu tháng 4 năm nay, ứng dụng sách nói KOMO Audio của Phương Nam Books sẽ ra mắt người dùng. Hiện tại, ứng dụng này đã có mặt trên các kho ứng dụng của Google (Google Play) và Apple (App Store), cho phép người dùng nghe thử miễn phí trong 7 ngày.

“KOMO Audio nằm trong hệ sinh thái Phương Nam, người dùng sẽ được hưởng những tiện ích và chính sách ưu đãi từ hệ sinh thái này. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung sản xuất phần sách của Phương Nam, sau đó mới khai thác sách của các nhà phát hành khác. Tất nhiên, sẽ có trường hợp sách nói ra cùng thời điểm với sách giấy, hoặc thậm chí ra trước sách giấy”, bà Trần Nhật Hoàng Phương, Trưởng phòng Marketing Phương Nam Books, cho biết. 

Bước tiến mới của sách nói ảnh 2 Đọc sách điện tử trực tuyến  từ website của NXB Tổng hợp 2

Sách nói và sách giấy ra mắt cùng thời điểm như vậy, liệu có ảnh hưởng đến doanh thu của sách giấy? Trước vấn đề này, bà Hoàng Phương khẳng định: “Không ảnh hưởng”. Theo bà, hiện tại, nhu cầu trải nghiệm của người dùng rất đa dạng.

“Sách nói hay sách giấy cũng đều là những hình thức giúp người dùng giải trí hay thu nạp kiến thức trong những điều kiện và tiện nghi khác nhau. Ngoài ra, sách nói cũng phục vụ cho một nhóm khách hàng không hay đọc sách giấy nhưng vì sự tiện lợi của hình thức này nên họ sẽ dễ dàng tìm đến hơn”, bà Hoàng Phương nói thêm. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Minh cho rằng, giữa sách giấy và sách nói là hai đối tượng thưởng thức khá tách biệt nên không ảnh hưởng. Ông Minh lý giải: “Tất nhiên cũng sẽ có một số lượng giao nhau không lớn giữa độc giả của sách giấy và người nghe của sách nói. Và cũng rất nhiều người sau khi mua sách giấy sẽ mua thêm bản sách nói để nghe lúc làm việc khác, nhiều người thì nghe sách nói xong cũng muốn một bản sách giấy để cất hoặc làm gì đó. Bởi vì, tâm lý của người Việt, đôi khi họ vẫn thích một bản sách vật lý, được hiện diện trên tủ của mình nếu quyển sách đó thực sự hay, có giá trị”. 

Ở góc nhìn độc giả, anh Hoàng Minh (Chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh) cho hay, mình vẫn chọn cả sách giấy và sách nói, dù là cùng một tác phẩm. “Tôi muốn trải nghiệm nhiều cách đọc sách khác nhau để có cách tiếp cận tác phẩm đa dạng. Tôi nghĩ, nhiều bạn đọc cũng sẽ không vì có sách nói mà bỏ qua sách giấy, bởi sách giấy luôn có sức sống riêng của mình”.

“Nhìn sang một số thị trường đã phát triển như Mỹ, Trung Quốc…, khi phát hành sách, họ cũng sẽ phát hành nhiều định dạng cùng lúc, gồm: sách giấy, sách nói, sách điện tử. Những sản phẩm đó là họ tự làm, không cần đến một bên thứ ba gia công và sản xuất. Vì ở những thị trường đó, sách nói là một phân khúc rất quan trọng. Ở Việt Nam, trong vòng 3-5 năm nữa, chuyện sách nói và sách giấy ra mắt cùng lúc sẽ là chuyện rất bình thường”, anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Điều hành Voiz FM, cho biết.

Tin cùng chuyên mục