Bước tiến du lịch Việt

Năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn gây ảnh hưởng tới du lịch toàn cầu. Sự bứt phá ngoạn mục về số lượng du khách quốc tế, cùng nhiều giải thưởng uy tín được trao tặng, như “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”; “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”; “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019”… đã khẳng định vị thế mới của ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

Nửa đầu năm 2019, cả ngành du lịch khá lo lắng vì có những tháng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều người nghĩ tới kịch bản xấu nhất là không hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, những tháng cuối năm đã đạt con số kỷ lục - đón khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế mỗi tháng. Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: kết quả này là sự nỗ lực rất lớn thể hiện “tinh thần và ý chí” của ngành du lịch cả nước.

Theo chỉ số Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), du lịch Việt Nam đã thăng hạng mạnh mẽ: tăng 17 bậc trong 4 lần xếp hạng, từ vị trí 80/139 nền kinh tế (năm 2011) lên vị trí 63/140 (năm 2019). Thống kê của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương cũng cho thấy Việt Nam đứng thứ 10 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đón khách cao nhất trong khu vực và cũng là lần đầu tiên du lịch Việt Nam vượt qua Indonesia để đứng thứ tư Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore. Những bước thăng hạng đáng kể này của ngành du lịch Việt Nam không chỉ trong chỉ số đóng góp vào GDP mà sức hấp dẫn trong khu vực cũng đã tăng vượt bậc. Vì thế mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa và đạt mức tổng thu du lịch trên 830.000 tỷ đồng ở năm 2020, tuy áp lực, nhưng có thể kỳ vọng, bởi sự phát triển vượt bậc của ngành trong những năm gần đây đã đem lại dư địa lớn cho ngành dịch vụ đặc biệt này.

Chất lượng luôn là mục tiêu quan trọng nhất. Thực tế, tình trạng tour “0 đồng”, tour “giá rẻ” từ Trung Quốc tràn sang khiến du lịch Việt Nam thu lợi không đáng là bao. Nhiều chuyên gia vẫn lo ngại khi thị trường Hàn Quốc cũng có hiện tượng tự vận hành nhiều khâu, Việt Nam bị thất thu khi nguồn tiền chi tiêu đổ trực tiếp về một số doanh nghiệp Hàn Quốc. Do đó, bên cạnh tiêu chí về số lượng, Tổng cục Du lịch nên đặt mục tiêu cụ thể ở từng thị trường, nhất là các thị trường có mức chi tiêu cao như Australia, Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản. Nên có bộ tiêu chí cụ thể hơn, không chỉ nhìn vào chỉ số số lượng. Cần hướng mạnh mẽ hơn tới du lịch đẳng cấp, khách đến dù ít nhưng chi tiêu nhiều.

Hân hoan với những thành tích đạt được, song để có những bước phát triển mới, ngành du lịch vẫn phải đối mặt với nhiều tồn tại đã từng được đề cập nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để. Khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là về tính chuyên nghiệp trong phát triển du lịch và những chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã có nhiều cải thiện về hạ tầng du lịch và kết nối hàng không, cảng biển, nhưng cần phải có những chính sách ưu tiên, đặc thù để phát triển du lịch như: đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đầu tư cho quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tính bền vững trong phát triển du lịch, tiếp tục cởi mở trong chính sách thị thực và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia… Cùng với những chính sách vĩ mô, cũng cần phải có những thay đổi nội tại của ngành du lịch như tăng cường quản lý điểm đến; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch; tiếp tục thay đổi nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về việc phát triển du lịch... Có như vậy thì ngành du lịch Việt Nam mới có những bước tiến cao hơn và xa hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục